Khi đại dịch Covid-19 ập đến, làn sóng số hóa đã làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế. Nhiều nhà đầu tư tin rằng sự chuyển dịch số hóa về lâu dài sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ, nên đổ tiền vào các công ty tài chính công nghệ.
Thế nhưng gió đã đảo chiều. Giá trị các công ty tài chính công nghệ có thời từng bay cao giờ đã sụt giảm gần 500 tỷ USD do lo sợ cơn bão suy thoái sắp đến, theo Financial Times.
Giá trị toàn ngành lao dốc
Từ đầu năm 2020, hơn 30 công ty tài chính công nghệ đã được niêm yết tại Mỹ, theo dữ liệu của công ty phân tích thị trường tài chính CB Insights.
Thế nhưng, những lo ngại về khả năng tăng lãi suất, lợi nhuận suy giảm, các mô hình kinh doanh chưa được kiểm chứng trong bối cảnh suy thoái kinh tế tiềm tàng đã khiến cổ phiếu các công ty tài chính công nghệ bị bán tháo mạnh trong năm nay.
Kể từ đầu năm 2022, cổ phiếu các công ty tài chính công nghệ mới niêm yết đã lao dốc trung bình 50%, so với mức giảm trung bình 29% của chỉ số Nasdaq Composite, theo phân tích của Financial Times.
Tổng vốn hóa của nhóm doanh nghiệp này đã giảm 156 tỷ USD trong năm 2022. Nếu so với thời điểm giá cổ phiếu từng công ty đạt đỉnh, tổng giá trị đã giảm 460 tỷ USD.
Báo cáo quý II của công ty cho vay trực tuyến Upstart công bố tuần trước đã chỉ ra những thách thức mà nhiều công ty tài chính công nghệ đang đối mặt. Upstart cho rằng thực trạng "nền kinh tế hỗn loạn" là nguyên nhân khiến công ty này giảm doanh thu, dẫn đến thua lỗ.
Klarna đã giảm mạnh giá trị công ty trong năm 2022. Ảnh: Reuters. |
Tình hình càng trở nên bi đát hơn nếu so sánh với kết quả kinh doanh bùng nổ cùng kỳ năm ngoái, khi kinh tế phục hồi sau thời gian phong tỏa kéo dài giúp doanh thu tăng hơn 1.000%.
Sức ép thậm chí cũng ảnh hưởng tiêu cực tới các công ty có nền tảng cơ bản vững chãi như PayPal và Block, vốn hóa thị trường của những doanh nghiệp này cũng đã giảm gần 300 tỷ USD chỉ trong một năm.
Sụt giảm định giá thị trường ảnh hưởng cả tới các công ty không niêm yết. Klarna, công ty cung cấp dịch vụ tài chính trực tuyến của Thụy Điển, đã giảm định giá của mình từ 46 tỷ USD xuống còn 7 tỷ USD trong vòng gọi vốn đầu tư đầu tháng 7.
Trong khi đó, công ty dịch vụ tài chính Stripe đã giảm định giá nội bộ hơn 25%, Wall Street Journal đưa tin tuần trước.
Niềm tin từ các nhà đầu tư
Dan Dolev, nhà phân tích của tập đoàn tài chính Mizuho, cho rằng các công ty tài chính công nghệ, đặc biệt nhóm thanh toán điện tử, là "bộ phận hưởng lợi đầu tiên từ Covid-19, bởi tất cả người dân mắc kẹt ở nhà và mua sắm trực tuyến".
"Giờ họ cũng là nhóm đang khắc phục vấn đề trước các công ty khác", ông Dolev nhận định.
Chuyên gia của Mizuho nhận định nhiều công ty tài chính công nghệ sẽ hồi phục trong nửa sau của năm 2022. Nhưng đồng thời, một số doanh nghiệp tài chính công nghệ cũng đối mặt thêm nhiều sức ép từ các cơ quan quản lý.
Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) Mỹ đang xem xét dấu hiệu có thể bị xem là xung đột lợi ích đến từ sự cộng tác giữa các công ty môi giới tài chính và sàn giao dịch tài chính, đây là nguồn thu cho nhiều công ty môi giới trực tuyến như Robinhood.
Mới đây, Chủ tịch SEC Gary Sensler đã yêu cầu giám sát minh bạch hơn hoạt động của thị trường tiền kỹ thuật số.
Các cơ quan quản lý đang tăng cường giám sát giới tài chính công nghệ. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Cục Bảo vệ Tài chính cho người tiêu dùng cũng mở cuộc điều tra các công ty cung cấp dịch vụ "mua ngay, trả sau" từ tháng 12/2021.
Kết quả kinh doanh của các công ty cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống cũng bị tác động tiêu cực.
Hôm 15/7, ngân hàng Wells Fargo cho biết danh mục đầu tư của ngân hàng này thua lỗ 576 triệu USD do doanh thu không như kỳ vọng ban đầu. Wells Fargo là một trong các nhà đầu tư lớn nhất vào thị trường tài chính công nghệ trong năm 2021.
Bất chấp các thách thức ập đến, nhiều nhà đầu tư vẫn tin vào thị trường tài chính công nghệ. Công ty quản lý đầu tư ARK Fintech Innovation, một trong những quỹ đầu tư mạnh tay nhất của thị trường tài chính công nghệ, rút ròng khỏi thị trường dưới 90 triệu USD trong năm 2022, so với khoản 2,7 tỷ USD đầu tư vào tài chính công nghệ trong 2 năm trước đó.
Sau thời gian ngắn giảm vốn đầu tư đầu năm 2022, các nhà đầu tư của ARK Fintech đã rót thêm 31 triệu USD vào thị trường từ đầu tháng 6.
Pedro Palandrani, Giám đốc nghiên cứu tại quỹ đầu tư Global-X, nhận định một số công ty tài chính công nghệ có thể tiếp tục đối mặt sức ép trong phần còn lại của năm 2022, khi lãi suất tăng tạo ra khó khăn cho một số dịch vụ như cho vay và mua trước trả sau.
"Nhưng bất chấp rủi ro của thị trường tăng, vốn rút ròng khỏi thị trường đến nay chỉ khoảng 40 triệu USD. Con số này thực sự cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin vào tài chính công nghệ trong dài hạn", ông Palandrani nhận định.