Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá thực phẩm thiết yếu tại TP.HCM sẽ không tăng đến cuối tháng 3

Doanh nghiệp ở TP.HCM cam kết không tăng giá lương thực, thực phẩm thiết yếu đến cuối tháng 3. Trong khi đó, giá cả hàng hóa tại chợ có dấu hiệu tăng.

Chiều 14/3, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết do tác động của nhiều yếu tố khiến chi phí sản xuất gia tăng dẫn tới áp lực khiến giá hàng hóa trong hệ thống phân phối, chợ truyền thống tăng.

"Chúng ta thấy rằng giá bao bì, nguyên liệu, xăng dầu đều có xu hướng tăng. Các yếu tố này tác động và gia tăng áp lực dẫn tới tăng chi phí", ông Phương nói tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM.

Qua theo dõi giá cả các hệ thống phân phối hiện đại, ông Phương đánh giá thời gian qua giá tương đối ổn định, hàng hóa có giá thống nhất.

Doanh nghiệp nhận được nhiều đề xuất điều chỉnh tăng giá của nhà cung cấp; tuy nhiên, tới nay gần như chưa có đề nghị nào được hệ thống phân phối xem xét, điều chỉnh. Hệ thống này đang rà soát kiểm tra kỹ lưỡng các yếu tố đầu vào, nếu đề xuất có cơ sở hợp lý thì mới nghiên cứu để thay đổi.

tang gia hang hoa TP.HCM anh 1

Sở Công Thương cho biết đến cuối tháng 3, giá lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ không tăng. Ảnh: Chí Hùng.

Bên cạnh đó, thành phố vẫn duy trì bình ổn thị trường, trong đó có mặt hàng đặc biệt là lương thực, thực phẩm thiết yếu. Một số hàng hóa có lượng hàng chiếm tới 30-50% thị phần.

Ông Phương cho biết doanh nghiệp đã cam kết giữ giá hàng hóa ổn định một tháng trước và sau Tết Nguyên đán. Do đó, người dân có thể yên tâm từ nay đến cuối tháng 3, giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được giữ ổn định.

Với giá hàng hóa tại chợ truyền thống, ông Phương cho biết phụ thuộc vào lượng hàng, lượng khách mua sắm nên giá sẽ được điều chỉnh liên tục.

"Qua theo dõi, những ngày qua có dấu hiệu giá một số mặt hàng tươi sống, đặc biệt là rau củ quả có chiều hướng tăng", ông cho biết.

Nguyên nhân là chi phí vận chuyển, chi phí xăng dầu phục vụ công tác tưới tiêu tăng, ảnh hưởng đến giá hàng hóa.

Về tình hình giá xăng dầu, ông Phương cho biết từ đầu năm, các chuyên gia đã nhận định và có dự báo giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, thực tế diễn ra hoàn toàn khác dự báo khi giá dầu lên đến gần 140 USD/thùng do chiến tranh Nga - Ukraine.

Liên quan đến nguồn cung từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, đến nay, công suất đã khôi phục 80-85%. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 có thể đạt công suất 100%.

tang gia hang hoa TP.HCM anh 2

Người dân xếp hàng mua xăng trước kỳ điều chỉnh giá ngày 11/3. Ảnh: Chí Hùng.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc cung ứng xăng dầu, từ cuối tháng 2, Bộ Công Thương đã có kế hoạch nhập khẩu, tính toán để đảm bảo nguồn cung. Ngoài nguồn cung ứng từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ Công Thương có kế hoạch cho 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu lên tới 2,4 triệu m3.

"Với kế hoạch này, cơ bản đảm bảo đủ nguồn cung theo nhu cầu tiêu dùng trong nước", ông cho hay.

Việc thiếu xăng cục bộ phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận, cung ứng của các nhà phân phối cụ thể. Tuy nhiên, Sở Công Thương khẳng định các thương hiệu và tập đoàn xăng dầu lớn hoàn toàn đảm bảo việc dự trữ và cung ứng.

Sở Công Thương đã có kế hoạch, dự kiến làm việc với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) để có phương án hỗ trợ lưu thông trong giờ cao điểm cho xe bồn chở xăng.

Thời gian qua, do dự báo xăng tăng, người dân tập trung đi mua để dự trữ. Do đó, nhiều thời điểm việc cung ứng hàng hóa khó khăn khi nhu cầu tăng cao mà xe bồn không thể di chuyển vào ban ngày (chỉ được lưu thông ban đêm). Do đó, khi lượng người mua nhiều thì có khả năng sẽ thiếu hụt.

"Sở Công Thương nghiên cứu và thấy hợp lý sẽ đề xuất Sở GTVT cấp phép xe tải di chuyển nhằm xử lý kịp thời tình hình cung ứng", ông cho hay.

Về việc liệu TP.HCM có phương án hỗ trợ doanh nghiệp để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu sau tháng 3 hay không, ông Phương cho biết Sở Công Thương và Sở Tài chính sẽ dựa trên tình hình, tham mưu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chi phí đầu vào và có thể tăng ở mức phù hợp cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, giữ giá ổn định lâu dài.

“Nếu chi phí đầu vào tăng quá cao thì phải tính toán điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, cân bằng lợi ích với xã hội”, ông Phương nói.

Cần kiểm soát giá hàng hóa để hạn chế tình trạng trục lợi

Ban Dân nguyện kiến nghị cần có giải pháp kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ khi điều chỉnh giá xăng dầu nhằm hạn chế tình trạng "ăn theo" để trục lợi.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm