Theo Bloomberg, hai nền kinh tế đang phát triển lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ đều đang đối mặt với tình trạng giá một số loại thực phẩm trọng yếu tăng dữ dội. Đó là thịt lợn ở Trung Quốc và hành tây tại Ấn Độ.
Ở Trung Quốc, trong tháng 10, giá thịt lợn tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái vì dịch tả lợn châu Phi, đẩy lạm phát nước này lên 3,8%. Đây là mức lạm phát cao nhất tại Trung Quốc kể từ tháng 1/2012.
Dù giá thịt lợn ở Trung Quốc đã giảm nhẹ trong 3 tuần qua, các nhà kinh tế dự báo lạm phát nước này sẽ leo thang tới 5-6% trong tháng 1/2020. Lạm phát cao có thể khiến chính quyền Trung Quốc không dám nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế dù chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài và nhu cầu tiêu thụ nội địa yếu ớt.
Giá hành tây tại Ấn Độ đang tăng vọt. Ảnh: New York Times. |
Trong khi đó, tại Ấn Độ, giá rau quả - đặc biệt là hành tây - tăng tới 26% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy lạm phát lên mức 4% lần đầu tiên sau 15 tháng. Nhiều khả năng lạm phát sẽ chạm ngưỡng 4,8% trong giai đoạn tháng 10 đến 12 năm nay.
Lạm phát tăng cao cũng có thể ngăn cản Ngân hàng Trung ương Ấn Độ kích thích kinh tế. Theo khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế quốc tế, dự báo GDP Ấn Độ sẽ chỉ đạt 4,5% trong quý III năm nay, thấp nhất kể từ đầu năm 2013.
Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, giá thực phẩm tăng gần 30% trong quý I và hiện cao hơn năm ngoái 15%. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ dự báo lạm phát nước này sẽ leo thang tới 11% vào cuối năm 2020.
Ở châu Phi, hạn hán khiến nhiều quốc gia miền nam rơi vào cảnh thiếu thực phẩm. Giá ngô tăng đẩy giá thực phẩm Zimbabwe lên mức cao nhất trong 3 năm qua. Tại Nigeria, giá gạo nhập khẩu tăng 7,3% kể từ tháng 8.
Bloomberg dẫn lời các nhà kinh tế thuộc Nomura Holdings cảnh báo người tiêu dùng tại Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác đang đối mặt với nhiều khó khăn. Bởi thực phẩm chiếm một phần lớn trong chi tiêu của họ.
Báo cáo Thách thức Thực phẩm châu Á (AFCP) được công bố tuần trước cũng cảnh báo châu Á sẽ không sản xuất đủ thực phẩm để nuôi sống người dân khu vực trong 10 năm tới và cần đầu tư 800 tỷ USD vào ngành công nghiệp thực phẩm để cải thiện tình hình.
Theo báo cáo, chi tiêu cho thực phẩm ở châu Á sẽ tăng từ 4.000 tỷ USD năm 2019 lên hơn 8.000 tỷ USD vào năm 2030.