Thời gian gần đây, giá thép xây dựng trong nước liên tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng. Theo đó, tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, thép cuộn CB240 có giá mới là 18,1 triệu đồng/tấn, còn thép thanh vằn D10 CB 300 có giá 18,2 triệu đồng/tấn.
Các thương hiệu thép lớn khác như Hòa Phát, Việt Đức, Việt Ý, Kyoei, Pomina... cũng điều chỉnh giá bán. Cụ thể, thép cuộn CB240 của thương hiệu thép Kyoei tăng 1,2 triệu đồng/tấn, lên mức 18,2 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 18,02 triệu đồng/tấn, tăng 820.000 đồng/tấn.
Tượng tự, các dòng thép của Hòa Phát đều tăng khoảng 700.000 đồng/tấn so với giữa tháng 2. Tại miền Bắc, giá thép cuộn CB240 hiện ở mức 17,7 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17,8 triệu đồng/tấn. Như vậy, cả hai dòng thép này đã tăng thêm 710.000 đồng/tấn.
Giá thép trong nước đang tiến gần đến mức đỉnh năm 2021. Ảnh: Hoàng Hà. |
Giá thép hôm nay (8/3) giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 8 nhân dân tệ lên mức 5.022 nhân dân tệ/tấn, tương đương 18,1 triệu đồng/tấn. Như vậy, sau đợt tăng này, giá thép xây dựng của nhiều doanh nghiệp sản xuất đã tiến sát mức đỉnh khoảng 18,3 triệu đồng/tấn hồi tháng 5/2021.
Nguyên nhân giá thép tăng liên tục trong thời gian qua là do giá nguyên liệu, trong đó có phôi thép tăng cao. Theo cập nhật của Hiệp hội thép Việt Nam ngày 23/2, giá phôi thép tăng vượt 700 USD/tấn.
Trước đó, từ giữa tháng 2, các doanh nghiệp sản xuất đã đồng loạt tăng giá thép xây dựng lên 250.000-610.000 đồng/tấn. Tại Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn, đưa sản lượng tiêu thụ thép tăng mạnh.
Trong báo cáo cập nhật ngành thép quý I, nhóm nghiên cứu CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo xung đột giữa Ukraine và Nga có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng thép trên thế giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép.
Hiện, Nga là nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới, đặc biệt tại thị trường Châu Âu (chiếm 15% thị phần xuất khẩu vào EU, cùng với 2 nước có liên quan là Ukraine và Belarus thì tổng xuất khẩu thép của 3 nước này vào EU chiếm 38%).
Do đó, khi thế giới bắt đầu triển khai các biện pháp trừng phạt Nga sẽ dẫn tới việc thiếu hụt mạnh nguồn cung trong khi nhu cầu thép vẫn đang hồi phục nhanh trong 2022 sau đại dịch Covid-19.