Mới đây, khi trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal, tỷ phú Charles Koch bày tỏ sự tiếc nuối khi chứng kiến nước Mỹ bị chia rẽ trầm trọng. Tỷ phú 85 tuổi từng quyên góp hàng trăm triệu USD cho đảng Cộng hòa và các phong trào hữu khuynh. “Chúng tôi đã sai lầm. Tình hình hiện tại quá tệ hại”, ông Koch nói.
Koch Industries - tập đoàn gia đình của ông Koch - là công ty lớn thứ hai tính theo doanh thu tại Mỹ, theo xếp hạng của Forbes. Gia tộc Koch nắm giữ khối tài sản trị giá khoảng 120 tỷ USD, là gia đình giàu thứ hai nước Mỹ.
Hồi năm 2012, ông Koch được Bloomberg xếp hạng là tỷ phú giàu thứ 6 thế giới với khối tài sản 34 tỷ USD. Đến năm 2019, khối tài sản 50,5 tỷ USD đưa ông trở thành người giàu thứ 11 hành tinh.
Tỷ phú 85 tuổi là đồng sở hữu, chủ tịch kiêm CEO Koch Industries kể từ năm 1967. Ông và người em trai quá cố David Koch thừa kế tập đoàn từ cha Fred C. Koch. Mỗi người nắm giữ 43% cổ phần công ty.
Tỷ phú Koch thừa nhận đã góp phần khiến nước Mỹ chia rẽ về chính trị. Ảnh: Getty Images. |
Đế chế gia đình
Ban đầu, Tập đoàn Koch Industries chỉ chuyên về hóa dầu. Tuy nhiên, Koch Industries giờ đã mở rộng sang sản xuất thiết bị và công nghệ giảm thiểu ô nhiễm, polyme và sợi, khoáng chất, phân bón. Tập đoàn cũng kinh doanh hàng hóa và dịch vụ, lâm sản và sản phẩm tiêu dùng cũng như chăn nuôi gia súc.
Tỷ phú Koch sinh ra và lớn lên ở Wichita (bang Kansas). Trong một cuộc phỏng vấn với tác giả Warren Cassell Jr. hồi năm 2016, ông tiết lộ không được sống sung sướng khi còn nhỏ dù lớn lên trong gia đình giàu có. "Cha tôi muốn tôi làm việc như thể tôi là người nghèo nhất thế giới", ông Koch kể lại.
Tại Viện Công nghệ Massachusetts, ông Koch nhận bằng cử nhân khoa học về kỹ thuật tổng quát năm 1957, thạc sĩ khoa học kỹ thuật hạt nhân năm 1958, thạc sĩ kỹ thuật hóa học năm 1960. Sau đó, ông bắt đầu làm việc tại hãng tư vấn quản lý quốc tế Arthur D. Little.
Đến năm 1961, ông Koch trở lại Wichita để tham gia vào công việc kinh doanh gia đình, ở Rock Island Oil & Refining Company, nay là Koch Industries. Sáu năm sau, ông đảm nhận vị trí chủ tịch tập đoàn, khi đó vẫn còn là một công ty hóa dầu cỡ vừa. Cũng trong năm đó, ông Koch đổi tên công ty thành Koch Industries để vinh danh cha mình.
Tháng 8/1983, sau một cuộc chiến pháp lý, ông Charles Koch và em trai David mua lại cổ phần của hai người anh em khác, ông Frederick và Bill, để trở thành chủ sở hữu đa số tại tập đoàn.
Hai anh em tỷ phú Charles Koch và David Koch. Ảnh: Getty Images. |
Dưới thời của hai anh em Charles và David, Koch Industries mở rộng và tăng trưởng thần tốc. Năm 2006, tập đoàn dầu hóa tăng trưởng gấp 2.000 lần, tạo ra doanh thu 90 tỷ USD với mức lợi nhuận gộp năm lên đến 18%. Đến năm 2014, ông Koch nắm giữ khối tài sản trị giá 41,3 tỷ USD, theo danh sách Forbes 400.
Theo Fortune, để tạo ra quá trình tăng trưởng thần tốc của tập đoàn thừa hưởng từ cha, ông Koch thường làm việc 12 tiếng mỗi ngày tại văn phòng. Ông vẫn tiếp tục làm việc ngay cả khi về nhà và vào cuối tuần.
Tỷ phú 85 tuổi cũng là người đứng sau một số tổ chức như Viện Cato, Viện nghiên cứu Nhân đạo và Trung tâm Mercatus tại Đại học George Mason, Viện Nhân quyền và Viện Quản lý Dựa trên Thị trường. Và quan điểm chính trị của ông Koch bị chi phối bởi lĩnh vực kinh doanh mà gia đình ông theo đuổi.
Nhà tài trợ chính trị lớn
Là đại gia ngành năng lượng, anh em tỷ phú Koch phản đối dữ dội các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Ông cũng phản đối trợ cấp doanh nghiệp và khẳng định cần "giảm thiểu vai trò của chính phủ và tối đa hóa vai trò của kinh tế tư nhân, cũng như quyền tự do cá nhân", theo National Journal.
Tỷ phú Charles Koch và em trai David là những người đứng sau sự trỗi dậy của “Đảng Trà” tại Mỹ. Hai anh em thành lập tổ chức hữu khuynh Americans for Prosperity hồi năm 2004. Ông Koch cảnh báo rằng việc chính phủ chi tiêu mạnh tay, đi kèm với hệ thống doanh nghiệp tự do suy yếu, sẽ làm tổn hại đến thịnh vượng kinh tế và xã hội về lâu dài.
Ông từng chỉ trích chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama "tấn công sự thịnh vượng của nước Mỹ". Trong một bài viết trên Wall Street Journal, tỷ phú Koch viết: "Việc chính phủ chi tiêu cho kinh doanh chỉ khiến vấn đề trầm trọng thêm. Quá nhiều doanh nghiệp đã vận động thành công để được nhận ưu đãi và đối xử đặc biệt".
Theo ông, điều này làm xói mòn mức sống chung và bóp nghẹt chính các doanh nhân. Trong 20 năm qua, gia đình Koch là những nhà tài trợ chính của đảng Cộng hòa. Họ chi hàng triệu USD cho các cuộc tấn công nhắm vào phe Dân chủ.
Gia đình tỷ phú Koch phản đối gay gắt những nỗ lực lập pháp của cựu Tổng thống Obama. Năm 2012, họ chi đến 86 triệu USD để ngăn việc ông tái đắc cử nhưng bất thành.
Tỷ phú Charles Koch là nhà tài trợ chính trị lớn. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, theo Calcalist, hồi năm 2016, ông Kock nhận định việc lựa chọn giữa ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hilary Clinton và ông Donald Trump không khác gì chọn đau tim hay ung thư. Gia đình Kock không thích cuộc chiến thương mại mà ông Trump phát động, cũng như một số chính sách khác như trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Wall Street Journal, ông thừa nhận: “Chúng tôi không tạo ra Đảng Trà, chúng tôi chỉ chia sẻ sự quan ngại về chi tiêu chính phủ không bền vững. Nhưng dường như Đảng Trà không thành công, bởi chính phủ đảng Cộng hòa sắp kết thúc nhiệm kỳ với mức chi tiêu công lớn nhất trong lịch sử”.
Ông tiếc nuối vì những nỗ lực chính trị của bản thân đã khiến đất nước chia rẽ trầm trọng. Trong thư điện tử gửi nhà báo Douglas Belkin của Wall Street Journal, tỷ phú Koch chúc mừng ông Joe Biden và bà Kamala Harris sau chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông khẳng định “sẽ tìm cách hợp tác với họ”.