Khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ thừa kế một nền kinh tế yếu kém bị đè nặng bởi dịch Covid-19, hàng triệu người Mỹ thất nghiệp, các doanh nghiệp trượt tới bờ vực phá sản sau mùa đông năm nay.
Theo New York Times, việc giải quyết những thách thức đó, cùng với lời hứa tăng thuế của ông Biden, sẽ khó khăn hơn khi đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát Thượng viện Mỹ.
Tuy nhiên, tương tự Tổng thống Trump, ông Biden có thể ban hành các lệnh hành pháp, quy định và thay đổi nhân sự mà không cần Quốc hội thông qua. "Ông ấy có thể làm được rất nhiều thứ mà không cần Quốc hội", bà Felicia Wong, cố vấn trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Biden, Chủ tịch Viện Roosevelt, bình luận.
Từ tìm cách kích thích nền kinh tế, thay đổi quy tắc thương mại đến áp đặt thuế doanh nghiệp, đó là những cách mà nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden có thể ảnh hưởng đơn phương đến chính sách kinh tế.
Tổng thống đắc cử Biden có quyền ban hành các lệnh hành pháp mà không cần Quốc hội thông qua. Ảnh: New York Times. |
Kích thích kinh tế và thuế
Theo các cố vấn của ông Biden, tổng thống đắc cử mới có thể tìm nhiều cách tiếp cận nếu Thượng viện của đảng Cộng hòa ngăn gói chi tiêu lớn mà đảng Dân chủ đang thúc đẩy.
Những cách này bao gồm cung cấp khoản giảm nợ sinh viên, theo bà Wong. "Ông Biden có khả năng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục giảm một khoản nhất định, có thể là 50.000-75.000 USD cho những hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình", bà Wong chia sẻ.
Chính quyền mới cũng có khả năng sử dụng quyền hành pháp để nâng mức lương tối thiểu của người lao động lên 15 USD/giờ, giúp tăng lương cho hàng nghìn công nhân.
Ông Biden còn có thể xem xét lại gói kích thích 2.200 tỷ USD được thông qua hồi tháng 3/2020. Chẳng hạn, ông sẽ chỉ thị Bộ Tài chính đảm bảo rằng mọi doanh nghiệp vay theo Chương trình Bảo vệ Tiền lương đã trả lương đầy đủ cho người lao động.
Ông Biden có thể làm được rất nhiều thứ mà không cần Quốc hội thông qua.
Felicia Wong
Ông Biden cũng đề xuất tăng hàng nghìn tỷ USD thuế đối với những người có thu nhập cao và các tập đoàn lớn. Phần lớn chương trình này sẽ đòi hỏi sự thống nhất của Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, chính quyền ông Biden có thể hành động đơn phương, chẳng hạn như thay đổi quy định điều chỉnh cách thực hiện của luật cắt giảm thuế năm 2017 (do ông Trump ký).
Trong số đó, một số quy định áp dụng cho thu nhập kiếm được ở nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Mỹ. Bộ Tài chính dưới thời ông Biden có thể thay đổi những quy định được ông Trump đưa ra nhằm giảm trách nhiệm của các công ty đa quốc gia này.
Trên phương diện thương mại, ông Biden cũng phải đối mặt với một số quyết định quan trọng, bao gồm có tiếp tục lệnh cấm của ông Trump đối với TikTok và WeChat, cũng như thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc, hay không.
Ông Biden sẽ không cần sự chấp thuận của Quốc hội để giải quyết những vấn đề này và các vấn đề thương mại nổi cộm khác, bao gồm cách giải quyết mâu thuẫn với Liên minh châu Âu về những khoản trợ cấp cho Boeing và Airbus, cuộc đàm phán toàn cầu về thuế dịch vụ kỹ thuật số...
Thương mại và tài chính
Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng có phạm vi rộng để bày tỏ lập trường về mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, bao gồm hạn chế xuất khẩu công nghệ như trí tuệ nhân tạo và robot. Tổng thống mới còn phải quyết định xem Mỹ có theo đuổi các biện pháp trừng phạt bổ sung hay ngăn chặn đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ hay không.
Thực tế là ông Biden sẽ cần sự chấp thuận của Quốc hội nếu muốn thông qua bất cứ thỏa thuận thương mại tự do nào. Tuy nhiên, theo các cố vấn, cựu phó tổng thống Mỹ sẽ không theo đuổi thỏa thuận mới trong ngắn hạn. Thay vào đó, ông tập trung nhiều hơn vào những ưu tiên trong nước.
Một số ưu tiên khác của ông Biden có thể nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Cộng hòa, chẳng hạn như tăng cường mua hàng Mỹ và đầu tư vào công nghệ nội địa, tránh nguy cơ Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh.
Một trong những thay đổi lớn nhất dưới thời ông Trump đối với các ngân hàng được thực hiện thông qua những cơ quan quản lý, thay vì Quốc hội. Tuy nhiên, nhóm quan chức mới sẽ cần thời gian để xóa bỏ điều chỉnh cũ và áp dụng điều chỉnh mới.
Chính quyền ông Biden cần quyết định xem có tiếp tục cuộc chiến thuế với Trung Quốc hay không. Ảnh: New York Times. |
Giống như quá trình bãi bỏ quy định diễn ra chậm chạp dưới chính quyền ông Trump, bất kỳ thay đổi nào từ Cục Dự trữ Liên bang (FED) và các cơ quan quản lý khác đều sẽ không đáng kể về ngắn hạn.
Chính quyền ông Biden cũng có thể gây ảnh hưởng lớn đến các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm những biện pháp liên quan đến đòi nợ, cho vay ngắn hạn và tịch thu tài sản thế chấp.
Theo phán quyết được Tòa án Tối cao đưa ra hồi tháng 6, Nhà Trắng có quyền sa thải giám đốc Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) không lý do, xóa bỏ giới hạn giám sát của tổng thống đối với các cơ quan độc lập.
Điều này có nghĩa là ông Biden có thể tùy ý thay thế bà Kathleen Kraninger, giám đốc hiện tại của văn phòng, bằng một quan chức giám sát doanh nghiệp chặt chẽ hơn và tăng cường thực thi.
"CFPB nên đảm bảo rằng các công ty đều tuân thủ tất cả biện pháp bảo vệ khẩn cấp trên sổ sách, hỗ trợ tối đa người tiêu dùng nhằm ngăn chặn việc tranh chấp, tịch thu và chiếm hữu”, bà Linda Jun, cố vấn chính sách của American for Financial Reform, bình luận.