Giá sữa của Việt Nam ở mức trung bình trong khu vực
Tuy nhiên, nếu xét về thu nhập tương đương theo sức mua thì giá sữa tại Việt Nam lại khá cao so với mức sống của người dân.
Ngày 17/10, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp với Tổ chức Thống nhất, Tín thác và Bảo vệ người tiêu dùng (CUTS) công bố báo cáo nghiên cứu tình hình cạnh tranh trên thị trường sữa công thức cho trẻ em từ 0-12 tháng tuổi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy so với kỳ gốc là quý I/2009 đến quý IV/2011, giá sữa ở Việt Nam đã tăng dần đều: sữa dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi tăng 27,31%, sữa dành cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi tăng 23,76% trong khi sữa đặc chế lại có xu hướng giảm giá. Trong thời gian tương ứng, giá sữa nguyên liệu thế giới cũng có xu hướng tăng.
Ưa dùng hàng nhập khẩu là nguyên nhân khiến giá sữa tại Việt Nam cao hơn so với trung bình thế giới. |
Giá cao do thuế và lạm phát
Giá sữa của Việt Nam chỉ ở mức trung bình trong khu vực. Tuy nhiên, xét về mức thu nhập bình quân theo đầu người tính theo sức mua trung bình thì thu nhập của người Việt Nam đứng vào hàng thấp so với các nước trong khu vực. Do vậy, giá sữa tại Việt Nam không phải thấp, thậm chí còn cao hơn giá sữa tại một số nước có thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua cao hơn Việt Nam như Malaysia, Thái Lan và Philippines. “Sự bất tương xứng này khiến người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy giá sữa trong nước cao”, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận.
Theo CUTS, yếu tố gây sức ép lên giá sữa nhập khẩu chính là thuế và chỉ số lạm phát. Các sản phẩm sữa công thức cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi được sản xuất trên nguồn nguyên liệu nhập khẩu hoặc là sản phẩm nguyên hộp. Với thuế suất thuế nhập khẩu 10%, một hộp sữa giá 10 USD nhập từ Úc khi tới tay người tiêu dùng Việt Nam có giá 12,1 USD.
Trong khi cùng một hộp sữa đó đến tay người tiêu dùng Malaysia chỉ có giá 10 USD, tới Philippines có giá 11,984 USD, tới Thái Lan là 11,235 USD… do các nước này có thuế suất nhập khẩu từ 0%-7%. Bên cạnh đó, giá sữa tại Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi chính sách ngoại hối. Khi đồng nội tệ rớt giá, người tiêu dùng sẽ có cảm giác các mặt hàng ngoại nhập ngày càng đắt đỏ.
Thị trường thiếu thông tin
Mặc dù tại Việt Nam đã có thị trường sữa cạnh tranh với cơ cấu đa dạng cả về sản phẩm hàng hóa và nhà cung cấp (không có doanh nghiệp nào thống lĩnh thị trường) nhưng để mua được loại sữa phù hợp về chủng loại, chất lượng với giá cả lại không đơn giản. TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng CIEM, đánh giá thị trường sữa Việt Nam thiếu trầm trọng thông tin. Chủ yếu là quảng cáo của nhà sản xuất để bán được hàng, còn người tiêu dùng thiếu căn cứ lựa chọn sản phẩm. Thị trường sữa Việt Nam cũng phức tạp giữa chính thức và phi chính thức, hàng xách tay vẫn “sống” được chứng tỏ chênh lệch trong nước vẫn còn cao.
Trong báo cáo, CUTS cũng nêu thực trạng giá sữa công thức nhập ngoại cao hơn 200% so với giá sữa nội nhưng thị trường luôn có các nhóm giá khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, uy tín của cơ quan quản lý tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa cao dẫn đến hiện tượng người tiêu dùng không tin tưởng vào các chứng nhận chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của sữa nội. Thay vào đó là xu thế sính ngoại vì tin rằng chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh của nước ngoài cấp chắc chắn tốt hơn.
TS Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas), tỏ ra băn khoăn về vấn đề có phải “tiền nào của nấy” hay không. Ông Tuấn cho biết mỗi năm, Vinastas nhận được hàng ngàn khiếu nại, trong đó có không ít khiếu nại về sữa nhưng tất cả nội dung khiếu nại đều liên quan đến chất lượng.
Điều này cho thấy giá không phải là vấn đề quan tâm nhất của người tiêu dùng mà quan trọng là giá cả phải phù hợp với chất lượng. Trên thị trường, thông tin về chủng loại và chất lượng sữa rất mù mờ. Không có một thông tin được kiểm chứng nào và chưa có chỉ dẫn nào đầy đủ, cập nhật đến người tiêu dùng về việc giá sữa có phù hợp chất lượng hay không, thậm chí còn có quảng cáo sai sự thật.
Theo Người Lao Động