Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Giá sách cố định nuôi dưỡng nền xuất bản lành mạnh

Một hệ thống giá sách cố định cùng hệ thống phân phối đa dạng là yếu tố cần thiết để nuôi dưỡng một nền văn hóa đọc lành mạnh.

Gia sach co dinh anh 1

Tại thị trường Việt Nam, người mua sách đã quá quen với việc giảm giá sách. Mặc định là 20% giá bìa bất kể bạn mua tại cửa hàng hay các sàn trực tuyến, còn khi có sự kiện thì giảm tới 50%, 70%, thậm chí 80%.

Nhưng ở nhiều nước trên thế giới, việc giảm giá sách đòi hỏi phải có quá trình, không phải lúc nào cũng được giảm, không phải thích giảm lúc nào là giảm lúc ấy. Một số nước có hẳn quy định về việc khi nào mới được phép giảm giá sách: sau khi sách mới được phát hành thì thời gian lưu hành bao lâu, cơ sở phát hành mới được phép giảm giá, phải được cấp phép mới được giảm.

Hệ thống giá sách cố định bắt đầu tại Anh

Sách được xem là mặt hàng đặc biệt, nên việc ấn định giá cố định được hoan nghênh, nhiều nước có hệ thống giá sách cố định.

Hệ thống giá sách cố định là sự thỏa thuận giữa các nhà xuất bản và các nhà phát hành sách nhằm thiết lập một mức giá cố định cho mỗi cuốn sách được bán trên thị trường đó. Bởi các nhà bán lẻ không thể cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp xuất bản lớn hoặc các nhà bán lẻ trực tuyến có ít lợi thế hơn trên thị trường, và các hiệu sách độc lập có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Sự đa dạng trong mạng lưới phân phối - phát hành được cho là sẽ thúc đẩy sự đa dạng thư tịch. Một hệ thống giá sách cố định cùng hệ thống phân phối đa dạng là yếu tố cần thiết để nuôi dưỡng một nền văn hóa đọc lành mạnh.

Trên thực tế, hệ thống giá sách cố định ở mỗi quốc gia là khác biệt nhau. Ở quốc gia này giá sách cố định là luật; ở quốc gia khác, giá sách cố định là một hiệp định thương mại... Song song đó là các quy định bên lề như thời gian, chiết khấu và định dạng sách. Ví dụ, giá cố định sẽ được áp dụng bao lâu kể từ ngày sách được phát hành chính thức? Mức chiết khấu tối đa được phép giảm là bao nhiêu? Sách điện tử có được tính vào hệ thống giá sách cố định không?

Gia sach co dinh anh 2

Nhiều quốc gia quy định nghiêm ngặt việc giảm giá sách. Ảnh: dailycatch.

Hệ thống giá sách cố định được bắt đầu tại Vương quốc Anh, khi các thỏa thuận về giá cả được thực hiện giữa các nhà xuất bản và người bán sách vào năm 1829; Thỏa thuận giá sách cố định (Net Book Agreement) trên toàn Anh quốc có hiệu lực vào năm 1900.

Tồn tại được gần trăm năm, Thỏa thuận giá sách cố định đã sụp đổ sau khi các nhà xuất bản và nhà bán lẻ lớn rút lui vào năm 1995. Đến năm 1997, Hiệp định giá sách cố định bị phán quyết là bất hợp pháp và vi phạm luật cạnh tranh. Vào thời điểm đó, tờ The Guardian đã bình luận rằng Vương quốc Anh đã chuyển đổi hoàn toàn sang chủ nghĩa tư bản thị trường tự do và giá cả trở thành ưu tiên hàng đầu.

Sự sụp đổ của Thỏa thuận giá sách cố định đã làm cho thị trường sách của Anh bị thu hẹp. Số lượng hiệu sách độc lập của Anh đang giảm mạnh, cả nghìn hiệu sách phải đóng cửa. Theo thống kê, năm 1995, tổng số cửa hàng sách độc lập ở Anh quốc khi đó là 1.894, đến năm 2017 chỉ còn 868 cửa hàng. Năm 2022, số lượng nhà sách độc lập tại Anh cũng đã có dấu hiệu phát triển sau đại dịch, nhiều người tìm đến nhà sách hơn, hiện nay con số nhà sách độc lập của Anh đã lên đến hơn 1.027 cửa hàng.

Mặc dù việc mất Thỏa thuận giá sách cố định không phải là nguyên nhân duy nhất làm suy giảm tình trạng xuất bản - phát hành sách, tình hình chung đáng lo ngại đến mức nhiều người đặt vấn đề, có nên đưa Thỏa thuận giá sách cố định áp trở lại cho thị trường sách ở Anh quốc hay không?

Luật Lang và chính sách bảo vệ ngành xuất bản

Trái ngược với Anh quốc, Pháp là thị trường kiên định nhất với hệ thống giá sách cố định. Pháp trở thành quốc gia đầu tiên đặt giá sách vào tay chính phủ. Dưới thời của tổng thống Mitterrand, Jack Lang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, ông đã đề xuất một đạo luật thiết lập giá sách cố định bắt buộc, hạn chế cạnh tranh về giá bán sách nhằm bảo vệ ngành xuất bản và phát triển văn hóa đọc sách.

Tháng 8/1981, quốc hội Pháp đã bỏ phiếu nhất trí ủng hộ đạo luật do Lang đề xuất. Ngày nay, đạo luật này vẫn còn tồn tại, và được gọi Luật Lang. Luật Lang, nhanh chóng truyền cảm hứng cho các thị trường phát hành sách trên khắp châu Âu. Từ đó đến nay, đạo luật này tiếp tục định hình và xác lập thị trường sách Pháp. Vào năm 2011, luật đã được cập nhật, để bảo hộ giá bán sách điện tử.

Tháng 6/2014, Pháp cũng thúc đẩy một đạo luật chống Amazon, cấm các nhà bán lẻ trực tuyến chiết khấu 5% và giao hàng miễn phí. (Tuy nhiên, Amazon đã nhanh chóng tìm ra cách lách luật để giải quyết vấn đề - họ chỉ tính phí 1 xu cho mỗi đơn hàng).

Gia sach co dinh anh 3

Hiệu sách Shakespeare and Company tại Paris. Ảnh: fodors.

Rõ ràng, Pháp có sáng kiến và rất kiên quyết trong việc tạo cho sách một hệ sinh thái ổn định để phát triển lành mạnh. Ở Pháp, các hiệu sách được trân trọng và nước này tự hào có hơn 3.000 hiệu sách độc lập (số lượng nhà sách độc lập còn nhiều hơn ở Mỹ), bởi với người Pháp, sách được xem như là một sản phẩm văn hóa chứ không phải là một sản phẩm thương mại.

Chính phủ Pháp xem trọng việc phát triển văn hóa, bởi văn hóa không phải là vấn đề riêng tư, và việc nhà nước phân loại sách là hàng hóa thiết yếu đã một lần nữa khẳng định xuất bản - phát hành sách không chỉ là một hệ thống kinh tế mà còn là một thế giới quan.

Cũng giống Pháp, các quốc gia áp dụng hệ thống giá sách cố định nhằm đề cao những lý tưởng cao đẹp về sách và đọc. Đức vốn tự hào là quốc gia khai sinh của báo in và nhiều phong trào trí thức. Chính phủ Đức nhấn mạnh quan điểm trong việc bảo hộ xuất bản - bởi nói đến sách phải nói đến văn hóa đầu tiên sau mới là yếu tố thương mại.

Sách không nhất thiết phải là sách bán chạy mới có giá trị, và mọi người mua sách ở Đức dường như đều biết rằng: Buchpreisbindung (luật giá sách cố định của Đức) đặt lợi ích của văn học lên trên nhất.

Ở Nhật Bản, sách được mô tả như một nguồn tài nguyên cơ bản đóng góp vào sự phát triển văn hóa của đất nước. Việc duy trì hệ thống giá sách cố định không chỉ đảm bảo không gian cạnh tranh cho các nhà bán lẻ nhỏ, đa dạng hóa xuất bản phẩm, mà còn đảm bảo rằng sách sẽ được tiếp cận bình đẳng giữa thành thị và nông thôn.

Tựu trung, có thể dễ dàng nhận thấy các quốc gia đang áp dụng hệ thống giá sách cố định đều cam kết coi sách như một tài sản văn hóa, tách sách ra khỏi mặt hàng thương mại phổ thông, còn người dân từ bỏ lợi ích trước mắt của việc mua sách giá rẻ, với hy vọng thúc đẩy sự phát triển lâu dài của ngành xuất bản sách và đọc sách.

Giới xuất bản Anh kêu gọi bà Liz Truss bỏ thuế VAT cho sách nói

Theo các tác giả và nhà xuất bản Anh, tân Thủ tướng Liz Truss nên bãi bỏ “khoản thuế cuối cùng đối với sách”, đầu tư vào thư viện và hỗ trợ các buổi giao lưu của tác giả.

Nhiều nhà sách nỗ lực vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh

Nhà sách vắng khách, các cửa hiệu tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời thực hiện nhiều chương trình online nhằm tương tác với bạn đọc.

Tố An

Bạn có thể quan tâm