Các nhà cung cấp RAM DDR5 đã bắt đầu giảm giá thành của bộ nhớ này xuống từ nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, TrendForce cũng ghi nhận giá chip nhớ NAND flash cũng được giảm đến 35%.
Trước đây, một kit 32 GB 2 x 16 DDR5-4800 có giá khoảng 5 triệu đồng sau quy đổi, DDR5-5600 có giá lên đến hơn 9 triệu đồng tùy vào hãng sản xuất. Chi phí cao biến bộ nhớ này trở thành rào cản đối với những người tiêu dùng có ý định lắp ráp máy.
Trong khi vi xử lý Intel thế hệ 12, 13 được dự báo đều có thể hỗ trợ song song DDR4/DDR5, Ryzen 7000 series của AMD chỉ hỗ trợ bộ nhớ DDR5. Như vậy, việc giảm giá RAM DDR5 sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng của người dùng, góp phần giúp công nghệ mới sớm thay thế DDR4 trong tương lai.
Nguồn cầu sụt giảm đột ngột là nguyên nhân khiến giá chip NAND sụt giảm mạnh. Ảnh: Techspot. |
Mặt khác nhà máy của bộ nhớ NAND flash, số lượng chip tồn kho đã đặt mức hòa vốn khiến các nhà sản xuất phải giảm giá để xả hàng trong thời gian ngắn. Trong quý III năm nay, giá của NAND nguyên tấm (dạng tròn chưa cắt thành chip) đã giảm đến 35%.
Điều đó đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ có cơ hội sử dụng ổ SSD dung lượng cao với chi phí rẻ hơn.
Tương tự tình trạng nhu cầu của các thiết bị công nghệ đột ngột lao dốc khiến Intel thua lỗ gần nửa tỷ USD trong nửa đầu năm nay, bộ nhớ NAND cũng rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu sau khi đại dịch Covid-19 qua đi.
Theo TrendForce, tình trạng dư thừa sản lượng sẽ càng trở nên tồi tệ hơn khi các nhà sản xuất cố gắng đẩy thêm nguồn hàng để cạnh tranh thị phần trong quý IV. Theo dự đoán, giá của chip NAND có thể sẽ tiếp tục lao dốc và giảm thêm 20% trong 3 tháng cuối năm.