Tại báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội, Savills Việt Nam cho biết tổng nguồn cung phân khúc văn phòng quý III đạt trên 2,1 triệu m2 từ 188 dự án, tăng 6% theo quý và 11% theo năm.
Văn phòng hạng B có nguồn cung lớn nhất với hơn 1 triệu m2, chiếm 50% thị phần. Dự án TechnoPark tại huyện Gia Lâm mới gia nhập thị trường đóng góp gần 120.000 m2 vào con số chung. Tăng trưởng nguồn cung văn phòng hạng B đạt 22% theo năm, xếp sau là hạng A với 3%.
“Giãn cách xã hội dẫn đến tình hình thị trường văn phòng chậm lại cho đến hết năm 2021. Tuy nhiên, nhóm các khách thuê lớn đang tận dụng cơ hội này để tái cấu trúc lại văn phòng làm việc và đàm phán để đạt được những chính sách tốt hơn”, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê thương Mại của Savills Hà Nội, nhìn nhận.
Công suất văn phòng cho thuê giảm
Theo ghi nhận của Savills, nhiều chủ tòa nhà đã có các chính sách ưu đãi giá thuê ngắn hạn để hỗ trợ khách thuê trong mùa dịch. Giá chào thuê trung bình thị trường đạt 20,8 USD/m2/tháng, giảm 2% theo quý và 2% theo năm.
Hạng A đạt mức giá thuê cao nhất với 33,4 USD/m2/tháng. Giá thuê giảm chủ yếu đến từ văn phòng hạng B và hạng C, đều giảm -3% theo quý. Công suất thuê đạt 85%, giảm 5 điểm % theo quý và 5 điểm % theo năm do dự án quy mô lớn hạng B là TechnoPark gia nhập thị trường.
Văn phòng hạng C vẫn đạt công suất cao nhất là 95%. Hầu hết tòa văn phòng giữ công suất ổn định. Việc giãn cách xã hội trong quý III đã làm hoạt động cho thuê văn phòng chậm lại khi các khách thuê chưa thể dịch chuyển hay mở rộng.
Về triển vọng, tới năm 2023, hơn 537.000 m2 từ 21 dự án sẽ gia nhập thị trường với văn phòng hạng B chiếm 50% nguồn cung tương lai. Phía Tây Hà Nội sẽ cung cấp nguồn cung tương lai lớn nhất với 250.000 m2, tương đương với 47% thị phần, theo sau là khu vực nội thành với 36%.
“Sự gia tăng của nguồn cung và tâm lý thận trọng có thể khiến công suất thuê trung bình giảm trong hai năm tới. Các dự án đáng chú ý tới năm 2023 có thể kể tới dự án 36 Cát Linh, tòa nhà Techcombank, dự án 27-29 Lý Thái Tổ, Lotte Mall và Tiến Bộ Plaza”, Savills thông tin.
Do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp cắt giảm chi phí mặt bằng nên việc chọn không gian làm việc Coworking được tính đến. Các đơn vị nghiên cứu thị trường đánh giá với nhu cầu làm việc càng trở nên linh hoạt, trong tương lai đây có thể là mối đe dọa đối với các văn phòng truyền thống.
Giá nhà chung cư ở Hai Bà Trưng, Ba Đình và Cầu Giấy đắt nhất
Đối với căn hộ để bán, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn của Savills Hà Nội đánh giá phân khúc này sẽ phục hồi tốt sau dịch nhờ các yếu tố thúc đẩy nguồn cầu mạnh mẽ. Nguồn cung tương lai ở các khu vực xa trung tâm cũng sẽ mang đến nhiều lựa chọn về vị trí và giá cả phù hợp hơn.
Theo báo cáo, nguồn cung căn hộ bán mới tại Hà Nội tăng 101% theo quý và 3% theo năm sau khi 2 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 6 dự án mở bán, cung cấp khoảng 3.200 căn.
Số căn bán được trong quý III chỉ khoảng 2.400 căn, giảm 50% theo quý. Tuy nhiên, nguồn cung thấp, chất lượng cơ sở hạ tầng nâng cấp và giá thép tăng gần đây đã dẫn đến giá bán căn hộ tăng.
Các dự án hạng A tại quận Hai Bà Trưng, Ba Đình và Cầu Giấy có giá chào bán cao nhất trên 3.000 USD/m2. Ảnh: Việt Linh. |
Các căn hộ có giá phổ biến trên 1.500 USD/m2, chiếm 66% nguồn cung mới của thành phố, tăng 32% theo năm. Trong 9 tháng đầu năm 2021, nhu cầu cho các sản phẩm có giá từ 1.500 USD/m2 đến 2.000 USD/m2 tăng và chiếm 50% số lượng căn bán được.
Các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình và Cầu Giấy, tập trung chủ yếu các dự án hạng A, có giá chào bán cao nhất trên 3.000 USD/m2. Theo sau là quận Đống Đa và Tây Hồ với mức giá biến động từ 2.000 USD/m2 đến 3.000 USD/m2. Các quận/huyện khác với chủ yếu các dự án hạng C có mức giá dưới 1.500 USD/m2.
Trong quý IV, 11 dự án mới và những giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ cung cấp khoảng 7.900 căn cho thị trường Hà Nội. 87% nguồn cung tương lai là căn hộ hạng B và các quận/huyện Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm và Hoàng Mai với tổng số 81% thị phần. Sự phát triển của các đô thị ngoài trung tâm được cho là sẽ tiếp diễn.