Nhiều người dùng nhận được cuộc gọi giả mạo Cục Viễn thông với lời đe dọa SIM sẽ bị khóa trong 2 giờ kèm yêu cầu cung cấp nhiều thông tin cá nhân. Ảnh: NVCC. |
Ngày 16/2, anh T. Tâm (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận được một cuộc gọi từ số máy lạ. Khi nhấc máy, đầu dây bên kia thông báo tới anh Tâm thuê bao của anh sẽ bị khóa trong 2 giờ tiếp theo dưới dạng giọng nói trả lời tự động và hướng dẫn anh nhấn phím 9 để biết thêm chi tiết.
Sau khi nhấn phím, anh Tâm được điều hướng tới một người tự xưng là cán bộ từ Cục Viễn thông, đề nghị anh cung cấp nhiều thông tin cá nhân như số CCCD, họ và tên đầy đủ để xác nhận tình trạng của thuê bao.
"Do đã đọc nhiều tin tức về dạng cuộc gọi lừa đảo yêu cầu nhấn phím để biết thêm thông tin nên tôi cũng cảnh giác hơn. Khi người kia nói là từ Cục Viễn thông và muốn biết số CCCD, tôi có từ chối và hỏi thêm về lý do SIM của tôi lại sắp bị khóa gấp như vậy thì 'cán bộ' kia lập tức gác máy", anh Tâm kể lại.
Anh Tâm không phải người dùng duy nhất nhận được cuộc gọi dạng này trong những ngày vừa qua. Sau khi có thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng ngừng hợp đồng với những thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin chính chủ trước ngày 31/3, loại hình cuộc gọi lừa đảo này đang nở rộ trở lại.
Lợi dụng việc người dùng phải hoàn thiện thông tin thuê bao trước ngày 31/3, các đối tượng lừa đảo đã giả mạo Cục Viễn thông, nhà mạng để đe dọa khóa SIM. Ảnh: Xuân Sang. |
Các cuộc gọi này luôn bắt đầu bằng máy trả lời tự động và hướng dẫn chủ thuê bao nhấn phím để điều hướng, sau đó một đối tượng tự xưng là người của Cục Viễn thông hoặc của nhà mạng viễn thông để hỏi các thông tin như họ tên, số CCCD. Theo nhiều người dùng phản ánh, các đối tượng lừa đảo không yêu cầu chuyển khoản hoặc lấy bất kỳ mật khẩu OTP nào.
Đại diện Cục Viễn thông xác nhận với Zing thời gian qua có hiện tượng kẻ xấu lợi dụng việc chuẩn hóa thông tin thuê bao để yêu cầu người dùng đăng nhập, cung cấp thông tin qua các đường dẫn, website giả mạo.
Cục Viễn thông khẳng định cơ quan này không thực hiện việc gọi điện tới người dân đe dọa khóa thuê bao hay yêu cầu chuẩn hóa thông tin. Việc chuẩn hóa chỉ được thực hiện bởi kênh chính thức của nhà mạng. Người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động tra cứu, trao đổi qua kênh chính thống.
Ngoài ra, quá trình chuẩn hóa không có nội dung nào cần thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng. Người dùng tuyệt đối không thực hiện thao tác liên quan đến chuyển tiền, đăng nhập tài khoản ngân hàng.
Trao đổi với Zing, ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia bảo mật từ dự án Chống Lừa Đảo - cho hay dạng cuộc gọi lừa đảo này nổi lên do lợi dụng tình hình các thuê bao có thông tin chưa chính xác chỉ còn 15 ngày để hoàn thiện lại trước khi bị dừng cung cấp dịch vụ.
Ông Hiếu cho biết các đối tượng sẽ thực hiện hành vi giả mạo để đánh cắp thông tin hoặc cung cấp những đường dẫn, trang web lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
"Khi đã có số CCCD và họ tên đầy đủ của người dùng, các đối tượng có thể tập hợp lại cùng thông tin sẵn có để hình thành danh tính hoàn hảo. Danh tính này được sử dụng trong những lần lừa đảo tiếp theo hoặc để tạo tài khoản ví điện tử, mạng xã hội hay các dịch vụ trực tuyến khác để phục vụ các hành vi xấu", chuyên gia này cho hay.
Đại diện từ Chống Lừa Đảo cũng khuyến nghị người dùng nên chuẩn hóa thông tin thuê bao qua ứng dụng, website chính chủ của nhà mạng nếu được yêu cầu hoặc làm việc trực tiếp tại cửa hàng của nhà mạng để được hướng dẫn thao tác chính xác.
Ông cũng khẳng định không có nhà mạng, cơ quan chức năng nào thực hiện những cuộc gọi dạng này hay yêu cầu người dùng cung cấp thông tin, đặc biệt là các thông tin liên quan tới tài khoản ngân hàng.
"Tránh những cuộc gọi lừa đảo này không khó, nhà mạng cũng đã đưa ra các khuyến cáo cụ thể. Người dùng cũng nên hoàn thiện thông tin chính chủ thuê bao sớm để an tâm hơn trước khi nhận được những cuộc gọi lừa đảo theo hình thức này", vị này khuyến nghị.
Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, thông tin trên thuê bao bao gồm số thuê bao, đối tượng sử dụng, thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân, bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số giấy tờ tùy thân và ngày cấp, cơ quan cấp, nơi cấp.
Ngoài ra, thông tin của thuê bao cũng bao gồm bản số hóa giấy tờ của cá nhân, tổ chức, ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng, hình thức thanh toán cước cùng họ tên nhân viên, thời gian thực hiện giao dịch, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.
Để cập nhật thông tin thuê bao, người dùng truy cập trang web của nhà mạng mà mình đang sử dụng tại các địa chỉ my.vnpt.com.vn (VinaPhone), tttb.mobifone.vn (MobiFone) hoặc viettel.vn/s/chtt (Viettel).
Sau khi nhập số thuê bao cần kiểm tra/cập nhật thông tin, hệ thống sẽ gửi tin nhắn mã xác thực đăng nhập vào số thuê bao đó. Người dùng nhập mã để đăng nhập.
Tiếp theo, chọn loại giấy tờ dùng để xác nhận, có thể là căn cước công dân hoặc hộ chiếu. Sau đó, tải ảnh mặt trước và mặt sau của giấy tờ và ảnh chân dung tại các ô yêu cầu của giao diện web. Nếu sử dụng máy tính, người dùng cần chuẩn bị trước các file ảnh giấy tờ, ảnh chân dung. Với điện thoại thông minh, trang web của các nhà mạng cho phép chụp ảnh trực tiếp.
Cuối cùng, kiểm tra lại các thông tin mà hệ thống đã trích xuất từ ảnh gồm họ tên, ngày sinh, giới tính, số căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp và chọn xác nhận thông tin.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.