Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Giá mà Thủ tướng kỷ luật vài người'

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thông tin, nhiều cử tri cho rằng giá mà trong nhiệm kỳ vừa qua Thủ tướng sớm xử lý, kỷ luật một vài vụ sẽ chấm dứt được tình trạng trên bảo dưới làm lơ.

Thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng sáng 29/3, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng nhiệm kỳ vừa qua ngoài những thành tích mà cử tri công nhận, Chính phủ vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Tình hình tham nhũng nghiêm trọng đã xâm phạm quyền lợi của người dân lương thiện và suy yếu tiềm lực đất nước, tàn phá tài nguyên quốc gia. Đặc biệt, tình hình phạm pháp đang diễn ra tràn làn và ngày càng công khai.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Ngọc Ý

.

"Trong tình hình đất nước hiện nay, cử tri lo lắng nếu Chính phủ cứ điều hành theo phong cách cũ, đất nước sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình", ông Nghĩa lo lắng.

Cho rằng trách nhiệm để xảy ra tình trạng ấy là của cả hệ thống chính trị, nhưng ông Nghĩa nhấn mạnh, Chính phủ có vai trò chủ công. 

"Trong nhiệm kỳ vừa qua, cử tri cho rằng giá mà Thủ tướng sớm xử lý kỷ luật một số vụ có lẽ tình hình sẽ cải thiện hơn. Không nên chờ đến khi đổ bể, họ phải ra tòa. Cử tri đề nghị Chính phủ tới đây phải cải cách cách thức điều hành, Thủ tướng phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các thứ trưởng, bộ trưởng, phó chủ tịch, chủ tịch UBND cấp tỉnh có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, không đợi hết nhiệm kỳ thì sẽ chấm dứt tình trạng trên bảo dưới làm lơ", ông Nghĩa nói.

Bứt phá ngoạn mục

Còn đại biểu Trần Quốc Khánh chia sẻ, sau kỳ lấy phiếu tín nhiệm lần đầu, Thủ tướng và các bộ trưởng bứt phá ngoạn mục, đáng ghi nhận.

Như Bộ trưởng Đinh La Thăng xông xáo, nói được làm được, Thống đốc Nguyễn Văn Bình bình tĩnh, biết chia sẻ khó khăn với dân, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng kiên trì gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Quân khiêm nhường, tháo gỡ nút thắt khó khăn cho khoa học công nghệ đã thành công. Các bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Đinh Tiến Dũng, Hoàng Tuấn Anh, quyết liệt thay đổi.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đánh giá nhiều báo cáo chưa cân đối giữa thành tích và hạn chế. Ví dụ như báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có tới 30 trang kết quả đạt được nhưng chỉ có nửa trang nêu hạn chế. Báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao có 23 trang kết quả nhưng chưa đầy 1 trang nêu hạn chế. 

Nhiều tồn đọng như việc để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, tạm giam tạm giữ bị đánh chết, bị bức cung, bị nhục hình, tiêu cực trong truy tố và điều tra nhưng không thấy trong báo cáo.

Chủ tịch nước và Chính phủ chưa phối hợp rõ nét

Đối với công tác của Chủ tịch nước, theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), thực tế hoạt động của Chủ tịch nước chưa đáp ứng được những kỳ vọng đó. Hạn chế đó của Chủ tịch nước cũng là do hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) dẫn lời phản ánh của cử tri cho biết: "Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước khi tiếp xúc cử tri, khi làm việc ở các địa phương luôn luôn thể hiện mong muốn, quyết tâm chống tham nhũng, căm ghét những kẻ tham nhũng, thái độ rất rõ ràng”. 

Tuy nhiên, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nam Định cho hay cử tri và cả bản thân ông rất băn khoăn: “Không biết là Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đứng ở vị trí nào trong trận chiến đấu tranh chống lại tham nhũng? Chủ tịch nước được làm gì và làm được gì trong việc chống lại tham nhũng?”

Theo ghi nhận của đại biểu Sơn, trong nhiều mặt hoạt động chưa thể hiện rõ quyền lực của Chủ tịch nước. 

Tuy nhiên, theo ông Sơn, ngoài hạn chế do hành lang pháp lý, thì "mối quan hệ phối hợp điều hành hành giữa Chủ tịch nước và Chính phủ là chưa rõ, chưa cụ thể trong việc giải  quyết vấn đề quốc kế dân sinh, vấn đề quan trọng của đất nước".

“Cá nhân Chủ tịch nước thấy rất cố gắng, hết mình để làm việc vì dân vì nước nhưng do hạn chế trong quy định về chế định Chủ tịch nước nên cũng khó” - ông Sơn tiếc nuối.

Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền triệu tập Chính phủ

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, dù Hiến pháp và luật sửa đổi trao quyền lực hiệu quả, thực chất hơn cho Chủ tịch nước nhưng vẫn còn một số vướng mắc về cơ chế.

'Dừng đèn đỏ đúng luật bị coi là hâm'

Trao đổi về việc vi phạm pháp luật tràn lan, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng hiện kỷ cương, kỷ luật đang đi xuống, người chấp hành pháp luật nhiều khi bị coi là hâm.

Công Khanh - Phương Loan

Bạn có thể quan tâm