Ngày 29/3, đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhận định sau nhiệm kỳ vừa qua, dù đã làm được rất nhiều điều như báo cáo tổng kết nhiệm kỳ đã nêu, nhưng Chính phủ nói chung, các bộ ngành nói riêng vẫn còn nhiều 'món nợ' với người dân. Như năng suất lao động thấp, tham nhũng lãng phí, vấn đề chủ quyền biển đảo, tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm, hàng nhái hàng giả...
Theo đại biểu Cường, gốc rễ của các "món nợ" đó là ý thức chấp hành pháp luật của công chức và công dân chưa tốt.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường trong phiên họp sáng 29/3. Ảnh: Ngọc Ý. |
Nêu ví dụ về người Nhật Bản đã đứng dậy sau thảm họa sóng thần, đại biểu Cường khẳng định đó là do người Nhật có ý thức chấp hành pháp luật tốt. Trong khi đó, đại biểu nhận định "ý thức chấp hành pháp luật của người Việt đang đi xuống".
"Tham nhũng lãng phí, hàng giả, vi phạm trật tự công cộng, luật an toàn giao thông diễn ra phổ biến. Người chấp hành pháp luật khi dừng xe khi có đèn đỏ mà không có cảnh sát giao thông lại bị coi là hâm" - ông Cường trăn trở.
Đại biểu Cường nêu câu hỏi: Vậy ý thức chấp hành pháp luật kém có phải bản chất của người Việt? Khi người Việt ra nước ngoài thì rất nghiêm túc nhưng khi về nước lại vi phạm pháp luật tràn lan. Hay người nước ngoài ở nước họ thì nghiêm chỉnh nhưng khi sang Việt Nam lại mặc nhiên vi phạm pháp luật.
Vị đại biểu này cho rằng, nếu chỉ tuyên truyền pháp luật theo kiểu treo pano, dán biểu ngữ thì không đủ. Pháp luật cần đảm bảo tính khả thi. Ví dụ cấm xả rác thì phải có thùng rác công cộng. Hình phạt nghiêm minh, nhưng phải phù hợp với thực tiễn. Không để xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng, phạt nhưng cho tồn tại. Đừng để kẻ côn đồ đi ngược chiều, không mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ không bị phạt mà người hiền lành lấn làn là bị xử phạt. Tương tự, với người vi phạm giao thông không cần truy đuổi để đảm bảo an toàn nhưng sau đó cũng không truy tìm để xử phạt.
"Đừng ban hành quy đinh, thông tư kiểu như bắt buộc xe ôtô con phải có bình chữa cháy. Như vậy làm mất quyền uy của pháp luật" - ông Cường nói.
“Nếu vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nào làm được điều này sẽ ghi dấu ấn với lịch sử đất nước” - đại biểu Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Khá gợi ý Chính phủ phải có khảo sát để xem việc chấp hành pháp luật ra sao? Ví dụ như trong Luật giao thông đường bộ, chưa có nơi nào đánh giá xem người dân thực hiện bao nhiêu %. Đằng sau tình trạng vi phạm đó là gì, có phải việc xử lý chưa nghiêm, chưa công khai minh bạch.
Theo bà Khá, tham nhũng, lãng phí hay dùng chất cấm trong thực phẩm, xây dựng trái phép, cướp của, giết người diễn ra hằng ngày, trước mặt mọi người cần phải chỉ ra được nguyên nhân, ai chịu trách nhiệm.
Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa lại cho rằng, cử tri phản ánh nếu trong nhiệm kỳ vừa qua Thủ tướng mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế một số thứ, bộ trưởng, phó - chủ tịch tỉnh, thành thì sẽ chấm dứt được tình trạng trên bảo dưới làm ngơ, đảm bảo việc thực thi của pháp luật.