Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu có thể giới thiệu thêm ứng viên lãnh đạo Nhà nước

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, ngoài phương án của Trung ương Đảng, chỉ đại biểu mới có quyền giới thiệu nhân sự ứng cử Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng.

Bên hành lang Quốc hội chiều 28/3, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, để chuẩn bị cho công tác nhân sự thì trước hết là việc miễn nhiệm và bầu mới người đứng đầu Quốc hội trong ít ngày tới. Đến nay, các khâu chuẩn bị đã chu tất. Bắt đầu từ sáng thứ Tư tuần này, 30/3, Quốc hội sẽ tiến hành các thủ tục trong quy trình miễn nhiệm, bầu mới.

“Các báo cáo cụ thể về phương án nhân sự trình Quốc hội thì chiều 28/3, Ủy ban Thường vụ họp cho ý kiến để việc trình Quốc hội xem xét với chức danh đầu tiên - Chủ tịch Quốc hội - theo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Đảng. Phần công việc của các cơ quan tham mưu thì đã chuẩn bị đầy đủ” – Phó chủ tịch Quốc hội nói về cuộc họp kín diễn ra ít phút sau đó.

Ngoài phương án nhân sự Trung ương Đảng giới thiệu với 3 chức danh chủ chốt là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, ông Uông Chu Lưu cho biết, theo luật, đến thời điểm này, chỉ còn đại biểu Quốc hội có quyền tự ứng cử hoặc đề cử thêm phương án nhân sự cho những vị trí này.

"Nếu có đại biểu tự ứng cử hoặc đề cử, Quốc hội sẽ đưa ra để thảo luận và quyết định đưa ai vào danh sách để bầu. Còn người được đề cử hoặc ứng cử xin rút thì được rút theo luật", Phó chủ tịch Quốc hội nói.

bau Chu tich nuoc anh 1
Ông Uông Chu Lưu. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài ra, trong cuộc họp chiều 28/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn bàn về tổng thể chương trình kiện toàn nhân sự kỳ này của Quốc hội để thống nhất một quy trình chung. Tiếp đó, trong suốt hơn 10 ngày làm việc dành cho công tác nhân sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp riêng khi có bất cứ vấn đề phát sinh, ví dụ như khi xuất hiện ý kiến khác nhau sau các phiên thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội với mỗi lần trình miễn nhiệm hoặc bầu, phê chuẩn một nhân sự cụ thể. Khi đó, Thường vụ phải cho ý kiến để chuẩn bị báo cáo giải trình, tiếp thu trước Quốc hội, xin ý kiến các vị đại biểu.

Không xác nhận việc các chức danh chủ chốt đến thời điểm này có đơn xin từ nhiệm hay không nhưng Phó chủ tịch Quốc hội giải thích, luật cũng như nội quy đã có quy định chặt chẽ, cẩn trọng. Việc miễn nhiệm các chức danh chủ chốt như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng do cơ quan có thẩm quyền trình để đề nghị Quốc hội bầu ở đầu nhiệm kỳ thì chính những cơ quan này có trách nhiệm làm trờ trình gửi Quốc hội về việc miễn nhiệm đối với chức danh đó.

Theo chương trình làm việc, trong tuần này và tuần sau, Quốc hội bắt đầu công tác miễn nhiệm, bầu 3 chức danh lãnh đạo Nhà nước. Nếu không có gì thay đổi, các tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng sẽ tuyên thệ lần lượt vào các ngày 31/3, 2/4 và 7/4.

Lịch bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng

Ngày 30/3 - 7/4, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm và bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng. Các chức danh này sẽ có 3 phút tuyên thệ khi nhậm chức.

Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm