Tuần qua, giá vàng trong nước liên tục chinh phục những kỷ lục mới khi chính thức vượt ngưỡng 50 triệu đồng/lượng. Đến sáng 11/7, dù đã quay đầu giảm nhẹ, giá vàng miếng bán ra tại TP.HCM vẫn ở mức 50,65 triệu đồng/lượng.
Tại các đơn vị kinh doanh vàng bạc lớn khác như Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu hay Phú Quý, giá bán vàng miếng ở vùng 50,45-50,6 triệu đồng/lượng.
Vàng leo cao nhưng người dân dường như không còn chạy theo cơn “sốt” giá. Tổng giám đốc PNJ Lê Trí Thông chia sẻ với Zing qua báo cáo sơ bộ, tình hình mua bán vàng miếng tại hệ thống cửa hàng của công ty tuần qua diễn ra bình thường, không có hiện tượng tăng mua hay bán đột biến.
Theo ông Thông, tâm lý của nhà đầu tư hiện tại khác so với nhiều năm trước. Hiện tại diễn biến thị trường chứng khoán cũng đang thuận chiều với giá vàng trong khi tỷ lệ lạm phát được kiểm soát ổn định nên có thể vàng vẫn được xem là kênh đầu tư, chưa đến mức xem như kênh tài sản trú ẩn.
Vàng giảm giá trng phiên cuối tuần nhưng vẫn ở mức rất cao. Đồ họa: Quang Thắng. |
Trao đổi với Zing bên lề kỳ họp HĐND TP.HCM đang diễn ra, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết theo thống kê từ các đơn vị kinh doanh vàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn TP, giao dịch mua bán vàng không có sự đột biến, rất trầm lắng, thậm chí doanh số giảm nhẹ khoảng 2% về lượng so với tháng trước khi giá vàng ổn định. Không có hiện tượng lũng đoạn, đầu cơ trên thị trường.
Ông Minh cho rằng giá vàng trong nước biến động theo quốc tế và giá vàng thế giới tăng chủ yếu do lo ngại về đại dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp.
Khi giá tăng đột biến, người dân có thể lo lắng về rủi ro nên tình hình giao dịch trầm lắng. Người mua có khả năng đang chờ giá giảm, người bán chờ giá cao hơn. Những trường hợp mua bán đa phần xuất phát từ nhu cầu thật sự. Ông khuyến nghị người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao dịch vàng.
Ông Minh đánh giá giao dịch trên thị trường đang phản ứng lành mạnh với diễn biến giá, không có tình trạng đổ xô mua, bán. Ông cho rằng điều này thể hiện người dân tin tưởng vào cách điều hành, quản lý thị trường vàng của cơ quan chức năng.
Người dân không còn "sốt" theo giá vàng như nhiều năm trước. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định thị trường hiện tại đã khác xa về bối cảnh, môi trường quản lý Nhà nước so với thời điểm vàng lên đỉnh hơn 49 triệu đồng gần 10 năm trước. Công tác điều hành thị trường vàng hiện tại hiệu quả đã tạo tâm lý ổn định cho thị trường.
Thị trường vàng trong nước diễn biến theo giá thị trường thế giới. Khi có sự đột biến trên thị trường, chênh lệch giá vàng trong nước và vàng thế giới lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét sẵn sàng can thiệp thị trường và có đủ nguồn lực để làm việc này.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP năm 2012, của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cơ quan quản lý đã kiểm soát được thị trường khi loại bỏ rủi ro hoạt động kinh doanh vàng trong các tổ chức tín dụng, các ngân hàng không còn mua bán, cho vay, huy động bằng vàng; việc sản xuất vàng miếng được siết lại.