Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá gà nuôi trong nước cao gấp 2-3 lần gà ngoại

Gần 3 tháng trở lại đây, giá gà ta giảm 15-20%, tương ứng 15.000-20.000 đồng/kg. Đồng thời, gà nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc cũng trong xu thế giảm và chỉ bằng 30-50% gà nội.

Gà trong nước giảm

Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Thành Công, Nghĩa Tân, Cống Vị…, giá gà ta chưa làm thịt có giá 100.000-110.000 đồng/kg. Còn tại một số vùng ngoại thành như Đông Anh, Chương Mỹ…, giá gà thấp hơn đáng kể với từ 75.000-90.000 đồng/kg. Thậm chí tại các vùng nông thôn chuyên nuôi gà thịt, giá gà cao nhất cũng chỉ 70.000 đồng/kg.

Tại một số siêu thị ở Hà Nội như BigC, Metro, cánh gà công nghiệp của Công ty CP Hà Nội giá 75.900 đồng/kg, đùi gà góc tư giá 75.800 đồng/kg. Gà thả vườn 105.500 đồng/kg; gà ta 123.000 đồng/kg; gà thả vườn nguyên con của Công ty TNHH MTV chăn nuôi Bình Minh (Đồng Nai) có giá từ 79.000-83.000 đồng/kg.

Giá gà ta thả vườn sụt giảm 15-20%. Ảnh: Mỹ Nga.

Trong khi đó, giá đùi gà nhập khẩu từ Mỹ, Brazil, Hàn Quốc được bán đều thấp hơn giá gà ta, gà công nghiệp nuôi trong nước.

Cụ thể, ghi nhận tại siêu thị Metro Hà Đông, ngày 17/11 đùi gà nhập khẩu Mỹ 27.900 đồng/kg, giảm 5.000 đồng so với 2 tháng trước; đùi rã đông xuất xứ Mỹ có giá 44.900 đồng/kg; gà nguyên con nhập khẩu Hàn Quốc giá 55.900 đồng/kg; cánh gà Brazil 74.900 đồng/kg.

Còn tại siêu thị BigC Thăng Long, giá đùi tỏi gà đông lạnh xuất xứ Mỹ 38.900 đồng/kg; gà dai nguyên con nhập khẩu Hàn Quốc 56.000 đồng/kg.

Người nuôi gà lo âu

Nhiều hộ nuôi gà ở huyện Chương Mỹ, Đông Anh (Hà Nội) cũng băn khoăn khi giá đùi gà, cánh gà nhập khẩu từ Mỹ về bán tại siêu thị trong nước chỉ có 30.000-40.000 đồng/kg thì gà nuôi trong nước làm sao có thể cạnh tranh được.

Chị Huyền, chủ trang trại nuôi gà công nghiệp ở thôn Thanh Nê, xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, cho biết đang lên kế hoạch thu hẹp trang trại, thậm chí phải bỏ chuồng. Còn nếu muốn tồn tại thì phải chuyển sang nuôi gà trống, gà ta để phục vụ nhu cầu dịp lễ Tết Nguyên đán mà thôi.   

Cùng chung nỗi lo lắng, ông Quyên, thôn Đồn Vận, xã Liên Sơn, có kinh nghiệm nuôi gà lâu năm với quy mô lên tới 1.500 con cũng không khỏi lo lắng khi giá gà ta rớt mạnh:

“Tôi xem đài, báo thấy thông tin gà Mỹ nhập vào Việt Nam rất rẻ, đây là một trong những nguyên nhân chính làm giá gà ta giảm mạnh. Tôi không biết sắp tới giá cả tăng giảm thế nào. Hi vọng đến dịp lễ, tết cuối năm, giá gà sẽ nhích lên khi nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh để cứu người chăn nuôi”.

Giải thích về tình trạng này, chị Vũ Kim Ngân, phụ trách mảng khuyến nông - khuyến lâm xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, cho rằng hiện tại gà Mỹ và nhiều sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam với giá rẻ khiến giá gà ta giảm, lợi dụng cơ hội đó nhiều nhà buôn rủ nhau o ép giá người nông dân khiến giá gà đã rẻ lại càng rẻ.

Hơn nữa, khu chăn nuôi tại vùng nông thôn lại xa nơi tiêu thụ, cùng với kỹ thuật chăn nuôi chưa được cải thiện khiến giá cả cũng bị giảm nhiều.

Để ngăn chặn việc thương lái ép giá, đẩy thiệt hại cho người chăn nuôi, trước tiên phải giảm tầng nấc phân phối trung gian.

* Thống kê nhập khẩu thịt gà các loại năm 2014 và 6 tháng năm 2015 vào VN:

Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Dù Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa chính thức có hiệu lực nhưng giá gà Mỹ vào VN chỉ bằng 30-40% giá gà lông, chưa làm thịt nuôi ở trong nước.

Dự kiến chỉ cuối năm 2017, khi TPP chính thức được áp dụng thì chắc chắn sức ép hội nhập sẽ lớn hơn nhiều đến mọi ngành sản xuất trong nước chứ không chỉ riêng ngành chăn nuôi. Do đó, hội nhập là cơ hội và cũng là thách thức cho doanh nghiệp, hộ sản xuất trong nước để thay đổi mình nếu muốn tồn tại và phát triển. 

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, người tiêu dùng ở VN cũng như ở các nước được quyền mua và sử dụng sản phẩm tốt nhất với giá cả cạnh tranh nhất. Không thể o ép người tiêu dùng phải bỏ nhiều tiền hơn để mua sản phẩm cùng loại, có chất lượng tương tự, thậm chí không bằng.

                                                       TS Ngô Trí Long - chuyên gia về giá

'Nói chăn nuôi thua khi vào TPP là biện hộ cho trì trệ'

Chia sẻ với Zing.vn, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, để ngành chăn nuôi sống tốt trong sân chơi TPP cần đổi mới phương thức sản xuất.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20151117/gia-ga-nuoi-trong-nuoc-cao-gap-23-lan-ga-ngoai/1004545.html

Theo L.Thanh-M.Nga/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm