Chứng đau lưng hành hạ tổng thống Kennedy trong nhiều năm. Ông thường xuyên uống thuốc và tiêm để giảm những cơn đau.
"Bệnh nặng đến nỗi Kennedy không thể xỏ tất hay giầy vào chân trái nếu người khác không giúp đỡ", Robert Dallek, người nghiên cứu hồ sơ y khoa của Kennedy, tiết lộ với CNN.
Tổng thống Kennedy và thống đốc Connally quay sang bên phải ngay trước khi kẻ ám sát bắn vào chiếc xe limousine tại thành phố Dallas, bang Texas hôm 22/11/1963. Ảnh: Dallas Morning News. |
Vụ ám sát Kennedy diễn ra tại thành phố Dallas, bang Texas vào ngày 22/11/1963. Khi mọi người đưa Kennedy tới bệnh viện Parkland tại thành phố Dallas, bác sĩ Kenneth Salyer mới 27 tuổi. Hôm ấy ông trực tại phòng cấp cứu.
"Ông ấy vẫn thở khi người ta đưa ông ấy vào phòng cấp cứu. Đó là kiểu thở đầy khó nhọc, đau đớn, rất giống với những hơi thở cuối cùng. Nhưng Kennedy vẫn thở", Salyer nhớ lại khi trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CBS.
Các bác sĩ bỏ quần, áo của Kennedy để phẫu thuật và Salyer thấy một giá đỡ lưng có hình dạng giống áo nịt ngực của phụ nữ trên cơ thể tổng thống.
"Có lẽ chiếc giá đỡ lưng ấy đã khiến tổng thống mất mạng", ông nhận định.
Mọi người đều biết viên đạn đầu tiên bay qua phần mô mềm phía sau vai của Kennedy rồi xuyên qua khí quản. Sau đó nó đâm qua ngực, tay phải và bắp đùi của thống đốc John Connally khiến ông gục xuống. Nhưng trong lúc Connally đổ gục xuống thì đoạn phim về vụ ám sát cho thấy Kennedy vẫn ngồi gần như thẳng ở ghế sau của chiếc limousine. Vì thế viên đạn thứ hai lao trúng đầu tổng thống, gây nên vết thương chí mạng.
"Tổng thống Kennedy vẫn ngồi thẳng vì chiếc giá đỡ lưng mà ông ấy đeo. Nhờ nó mà kẻ ám sát đã bắn trúng đầu ông trong lần bóp cò thứ hai. Tôi nghĩ rằng viên đạn thứ hai sẽ không găm vào đầu Kennedy nếu ông ấy đổ nhào sang một bên như thống đốc Connally. Mà ông ấy chỉ có thể đổ nhào nếu giá đỡ lưng không tồn tại trên cơ thể", Salyer lập luận.