Cô Noriah Bakar, sinh sống ở Subang Jaya (bang Selangor), cho biết chồng cô và hai con trai đã "sững sờ" khi có kết quả xét nghiệm dương tính với biến chủng Delta vào tuần trước, theo AFP.
"Từ giữa tháng 4, chồng tôi chỉ ra ngoài một lần để lấy tài liệu, còn tôi ra khỏi nhà hai lần để hẹn tiêm vaccine và mua bánh mì cách đây khoảng ba tuần", cô Bakar nói.
"Dù tốn kém nhưng chúng tôi sử dụng dịch vụ trực tuyến từ các cửa hàng tạp hóa. Chúng tôi không nghĩ mình đã làm sai bước nào", cô Bakar cho biết thêm.
Biến thể Delta khiến nhiều người Malaysia mắc bệnh ngay cả khi đã hạn chế ra ngoài. Ảnh: AFP. |
Nhà chức trách Malaysia hôm 14/7 công bố số ca bệnh trong ngày cao kỷ lục với 11.618 ca nhiễm, nâng tổng số ca dương tính ở Malaysia lên hơn 867.000 trường hợp.
Trước đó, hôm 13/7, Malaysia ghi nhận 11.079 ca dương tính, đánh dầu lần đầu tiên số ca nhiễm mới mỗi ngày vượt mốc 5 con số.
Ông Noor Hisham Abdullah, người đứng đầu ngành Y tế Malaysia, cảnh báo rằng số ca mắc mới có thể tăng trong hai tuần tới, do biến chủng Delta đã xuất hiện ở hầu hết các bang.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến chủng Delta (xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ) có khả năng lây truyền cao hơn 55% so với biến chủng Alpha (có nguồn gốc tại Anh), và cao hơn 50% so với biến chủng phát hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc).
Ông Awang Bulgiba Awang Mahmud, chuyên gia chống dịch Covid-19 của chính phủ Malaysia, cho biết hoạt động thông gió kém và việc không tuân thủ các quy định phòng dịch cũng là những nguyên nhân khiến tình trạng lây nhiễm nghiêm trọng hơn.
Một số địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát đi lại để ngăn chặn sự lây lan của virus. Người dân không được phép rời khỏi nhà trừ trường hợp mua sắm nhu yếu phẩm hoặc có lý do về sức khỏe.
Theo dữ liệu của Our World in Data, Malaysia đã tiêm liều vaccine đầu tiên cho khoảng 7,8 triệu người (chiếm 24,5% dân số). Khoảng 3,5 triệu người (11%) đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.