Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gia đình đổi chỗ ở vì không muốn giám định cho trẻ bị xâm hại tình dục

Công an cho biết nhiều gia đình rút đơn tố cáo việc trẻ bị xâm hại tình dục, thậm chí, không đưa nạn nhân đi giám định pháp y về tình dục, có trường hợp còn thay đổi nơi cư trú.

Trong bài tham luận tại hội nghị Tổng kết 12 chương trình, đề án, kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2020-2021 ở TP.HCM diễn ra chiều 19/3, thượng tá Ngô Xuân Thọ, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, chia sẻ nhiều số liệu đáng chú ý cũng như khó khăn trong giải quyết các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.

Trẻ dưới 13 tuổi phát triển sớm, tự tìm bạn trai

Ông Thọ cho biết trong quá trình điều tra, công an gặp khó khăn rất lớn khi nhiều trường hợp, người bị hại và gia đình không hợp tác. Hầu hết gia đình sợ nạn nhân bị ảnh hưởng đến tâm lý, việc học hành, thậm chí là danh dự. Có 38 vụ (4,81%) gia đình rút đơn tố cáo sau khi trình báo về hành vi xâm hại, không đưa nạn nhân đi giám định pháp y về tình dục, có trường hợp còn thay đổi nơi cư trú.

xam hai tre em tai TP.HCM anh 1

Thượng tá Ngô Xuân Thọ, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Thu Hằng.

Ngoài ra, một số vụ xâm hại tình dục trẻ em, người thực hiện hành vi xâm hại lại chính là những người thân, quen với gia đình bị hại (350 vụ, tương đương 44,03%), có đối tượng sống cùng gia đình (26 vụ, tương đương 3,29%). Do đó, không ai đứng ra tố giác hoặc chậm trễ trong việc tố giác, dẫn đến việc thu thập chứng cứ gặp khó khăn do bị xóa dấu vết, tiêu hủy.

Do chưa nhận thức được mức độ nghiệm trọng của sự việc, một số vụ xâm hại trẻ em, hai bên gia đình tự thỏa thuận. Đến khi không thỏa thuận được hoặc phát sinh mâu thuẫn thì gia đình bị hại mới tố giác với công an.

"Khi đó, các dấu vết, tài liệu chứng cứ vật chất đã bị mất, bị xóa, khó thu thập hoặc đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đã bỏ trốn, không có thông tin để truy xét, gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy cứu trách nhiệm của đối tượng", ông Thọ phân tích.

Đáng chú ý, thượng tá Thọ cho biết một số bé gái dưới 13 tuổi phát triển sớm về vóc dáng, tâm sinh lý và mong muốn có bạn trai sớm. Những em này chủ động tìm bạn trai và quan hệ tình dục với đối tượng mới quen. Có trường hợp còn quan hệ tình dục với nhiều bạn trai. Khi bị phát hiện, các em này bỏ gia đình, đi theo sống chung với bạn trai, từ chối đi giám định do sợ bạn trai bị xử lý trước pháp luật.

Một khó khăn khác là đội ngũ điều tra bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em cũng còn thiếu và yếu. Đặc biệt là thiếu điều tra viên nữ. 2020 là năm có số lượng cán bộ, điều tra viên nữ cao nhất trong 10 năm qua, nhưng cũng chỉ chiếm 6,29% tổng lực lượng điều tra toàn thành phố.

"Một trẻ bị xâm hại cũng là nỗi đau của cả thành phố"

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhắc lại thực tế hầu hết vụ bạo lực, xâm hại trẻ em thường diễn ra ngay trong hộ gia đình, nơi nuôi dưỡng, thậm chí do người trực tiếp nuôi dưỡng xâm phạm. Ông Hoan cho rằng đây là điều "rất đau xót" mà người dân thành phố cần lên án, quyết tâm tuyên truyền, vận động để giảm bớt nguy cơ cho trẻ em.

"Một trẻ bị xâm hại cũng là nỗi đau của cả thành phố. Chừng nào không còn hành vi của người lớn ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm, nhận thức của trẻ em, lúc đấy, thành phố mới văn minh được. Chúng ta quyết tâm không để trẻ em mất đi thời thơ ấu của mình", Phó chủ tịch TP.HCM chia sẻ.

Ông Hoan yêu cầu tiếp tục duy trì 12 chương trình bảo vệ trẻ em và bổ sung thêm hàng loạt quy trình cần thiết để bảo vệ trẻ em cũng như xử lý các trường hợp xâm hại trẻ em.

xam hai tre em tai TP.HCM anh 2

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thu Hằng.

Từ năm 2012 đến 2020, Công an TP.HCM ghi nhận 790 vụ án về xâm hại trẻ em, trong đó có 732 vụ hiếp dâm, giao cấu và dâm ô trẻ em. Phòng trọ, nhà riêng là địa bàn diễn ra nhiều vụ xâm hại nhất với 441 vụ. Cùng với đó là các khu vực vắng người, ngoại thành (22 vụ); trường học (18 vụ); nơi công cộng như công viên, bãi xe (61 vụ); khách sạn, nhà nghỉ (277 vụ), cá biệt có trường hợp xảy ra tại Trung tâm bảo trợ xã hội (1 vụ).

Số vụ xâm hại trẻ em xảy ra nhiều nhất tại huyện Củ Chi (117 vụ), quận 9 cũ (109 vụ), Bình Chánh (98 vụ). Ít nhất tại quận 1 (11 vụ), quận 5 (16 vụ), quận 11 (16 vụ). Mối quan hệ giữa đối tượng xâm hại và người bị hại gồm có: quan hệ họ hàng (26 vụ, tương đương 3,29%); hàng xóm, quen biết với gia đình bị hại (350 vụ, tương đương 44,30%); quan hệ tình cảm nam nữ (331 vụ, tương đương 41,89%); không có quan hệ với bị hại (83 vụ, tương đương 10,50%).

Rà soát tiêu chí nhà an toàn sau vụ bé gái rơi từ tầng 12A

Ủy ban Quốc gia về trẻ em yêu cầu các địa phương chú trọng công tác phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm