Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Cần đánh giá tổn thương tâm lý cho bé gái 12 tuổi bị xâm hại'

Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng bé gái 12 tuổi bị xâm hại và bạo hành cần được đánh giá mức độ tổn thương về tâm lý để kịp thời có biện pháp can thiệp, giảm thiệt hại về tinh thần.

xam hai tinh duc anh 1

Vụ bé gái tên B., 12 tuổi ở Hà Nội bị chính mẹ ruột của mình bạo hành và người tình của mẹ xâm hại tình dục đang gây bức xúc trong dư luận. Sau khi 2 người liên quan bị khởi tố, nhiều người quan tâm đến cơ chế phục hồi tâm lý và bảo vệ cho nạn nhân trong vụ án này.

Trao đổi với Zing, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH), cho rằng sự việc này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc phòng ngừa xâm hại trẻ em ngay trong môi trường sống là gia đình. Các sự việc đã xảy ra đều đáng tiếc vì có rất ít cơ hội để các em phục hồi hoàn toàn những tổn thương về tâm lý trong suốt cuộc đời.

Sống trong môi trường có nhiều nguy cơ bị xâm hại

- Sau khi theo dõi tin tức về sự việc bé gái 12 tuổi bị mẹ ruột bạo hành và người tình của mẹ xâm hại tình dục suốt nhiều tháng qua ở Hà Nội, là người đứng đầu cơ quan hoạt động về bảo vệ quyền trẻ em, ông suy nghĩ gì?

- Trước hết, tôi phải nói rằng đây là sự việc rất đau xót vì người bạo hành và xâm hại cháu bé lại chính là những người sống cùng trong một ngôi nhà với cháu. Người mẹ còn có liên quan đến ma túy.

Điều này thể hiện sự phức tạp của xã hội khi hành vi xâm hại trẻ em còn liên quan đến những tệ nạn xã hội khác.

xam hai tinh duc anh 2

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cho biết môi trường sống của cháu B. tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị xâm hại, bạo hành. Ảnh: Hoàng Như.

Khi phân tích vụ việc này, tôi thấy rằng từ đầu, cháu bé đã sống trong một môi trường có nhiều nguy cơ xảy ra hành vi xâm hại và bạo lực. Cháu sống trong ngôi nhà có người mẹ thường xuyên la lối, đánh đập, sau đó, mẹ lại đưa người tình về ở. Những yếu tố này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi trong nhà có một bé gái đang ở độ tuổi 11-12.

Và khi nói đến những nguy cơ này, tôi cho rằng chúng ta còn thiếu một đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở thôn, xã, phường làm công tác bảo vệ trẻ em. Những người này có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn kịp thời nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường sống của trẻ, cũng như thông báo cho cơ quan chức năng để phối hợp loại bỏ ngay các nguy cơ xâm hại trẻ em.

Tôi nói vậy vì cháu bé đã bị xâm hại tình dục và bạo hành từ lâu, nhưng phải đến gần đây mới bị người bác phát hiện và tố giác. Như vậy, năng lực tố giác của cộng đồng chưa được phát huy trong trường hợp này.

Tổn thương tâm lý suốt cuộc đời

- Vậy theo ông, cháu bé có thể chịu những tổn thương gì sau sự việc này và cơ hội nào để cháu phục hồi tâm lý, hòa nhập lại với trường lớp, cộng đồng xung quanh?

- Tôi có theo dõi và thấy có thông tin đánh giá ban đầu cháu bé không có vấn đề gì về tâm lý. Ở góc độ chuyên môn, tôi không tin tưởng vào đánh giá này. Một cháu bé bị xâm hại tình dục và bạo hành trong thời gian dài như vậy, không thể nói rằng cháu không sao. Do đó, việc cần làm ngay là mời chuyên gia tâm lý về đánh giá những tổn thương tâm lý của cháu bé sau khi sự việc xảy ra.

Dưới góc độ công tác xã hội, việc cháu có hòa nhập được trở lại với cộng đồng hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Từ việc bản thân nạn nhân có khả năng tự phục hồi không, khả năng đó cao hay thấp, đến việc các dịch vụ hỗ trợ tiếp cận có kịp thời, chuyên nghiệp không. Thậm chí, việc hồi phục tâm lý của cháu còn phụ thuộc vào khả năng của người giám hộ, người thân có kiến thức, kỹ năng gì không.

Nhưng dù sao đi nữa, tôi vẫn phải nói rằng những sự việc này xảy ra đều rất đáng tiếc. Bởi lẽ, cho dù có được can thiệp kịp thời, rất khó để các nạn nhân của xâm hại tình dục phục hồi tâm lý hoàn toàn. Những tổn thương về tâm lý sẽ đi theo cháu suốt cả cuộc đời.

xam hai tinh duc anh 3

Các vết thương trên người nạn nhân sau khi bị mẹ đánh. Ảnh: S.T.

- Vậy chính quyền địa phương và gia đình có thể làm gì để hỗ trợ phục hồi tâm lý và giảm thiểu tối đa tổn hại tinh thần cho cháu bé, thưa ông?

Như sự việc vừa qua, đội ngũ cán bộ xã, phường và người thân đã làm ngay được một việc là cách ly cháu bé ra khỏi môi trường từng bị tổn thương. Hiện, cháu đã được đưa đến ở nhà người bác, sau đó, nếu không ai nhận chăm sóc thì cháu có thể sẽ được đưa vào trong trung tâm bảo trợ xã hội.

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc cần làm ngay và bắt buộc là mời chuyên gia tâm lý đánh giá xem cháu bé đã bị tổn hại như thế nào về sức khỏe, tâm lý và các điều kiện khác. Việc đánh giá sẽ giúp chúng ta có biện pháp đúng đắn để giúp cháu phục hồi tâm lý nhanh hơn.

Vấn đề này cần có sự vào cuộc của các cơ sở làm công tác xã hội chuyên nghiệp tại Hà Nội.

Để không phải nói "rất tiếc" khi sự việc xảy ra

- Những sự việc xâm hại, bạo hành trẻ em vẫn diễn ra, dù chúng ta đã có nhiều cơ chế để bảo vệ nhóm đối tượng này. Vậy theo ông, làm thế nào để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả những hành vi này?

- Theo thống kê các vụ việc được cơ quan điều tra phát hiện, tiếp nhận, trong giai đoạn 2015-2019, những vụ việc xâm hại và bạo hành trẻ em có xu hướng tăng lên. Đến năm 2019-2020, những vụ việc này có xu hướng giảm nhẹ.

Tuy nhiên, chúng ta chưa có một cuộc điều tra ở quy mô diện rộng, bài bản để đo được "phần chìm của tảng băng" trong các sự việc xâm hại trẻ em. Do đó, tôi chưa thể kết luận được là thực tế tăng hay giảm. Tôi chỉ nhìn nhận được là diễn biến các sự việc ngày càng phức tạp và cần phải có một cuộc điều tra quốc gia để thấy được xu hướng này.

Thứ hai, tôi muốn nói về mặt pháp luật. Chúng ta có quy định đầy đủ hơn, tiến bộ hơn từ luật trẻ em cho đến luật hình sự sửa đổi cho đến nghị định của Hội đồng thẩm phán, TAND tối cao. Hành lang pháp lý để xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em và xâm hại tình dục đã đầy đủ, cụ thể hơn. Sự vào cuộc của cơ quan pháp luật, đặc biệt là cơ quan điều tra khi xử lý sự việc cũng kịp thời hơn.

Thứ ba là bước đầu chúng ta có hệ thống dịch vụ về mặt xã hội để có thể phối hợp hỗ trợ nạn nhân một cách kịp thời, ví dụ Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111. Các hệ thống, trung tâm, nhóm làm công tác xã hội cũng khá chuyên nghiệp. Đó là những điều tôi thấy tiến bộ.

Tuy nhiên như tôi đã nói, để phòng ngừa, phát hiện và loại bỏ sớm các nguy cơ xâm hại, đặc biệt nguy cơ từ trong gia đình, cộng đồng phải được tăng cường nhiều hơn. Cụ thể, phải tăng cường ở 2 điểm.

Trước hết, bố trí bằng được người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã, phường như Luật Bảo vệ trẻ em có quy định và Thủ tướng đã chỉ đạo. Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương, của UBND cấp tỉnh và giao trách nhiệm cho UBND cấp xã, huyện. Dù bộ máy chính quyền có thể tinh giản, nhưng phải ưu tiên giải quyết những vấn đề xã hội nóng và ưu tiên bảo vệ quyền trẻ em.

Ngoài ra, cơ sở pháp lý phải tạo dựng một cách nhanh chóng để hình thành nghề công tác xã hội, làm sao để có một đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp ở ngay tại cộng đồng, thôn, xã, phường. Khi đó, sự phòng ngừa, phát hiện sớm, phối hợp hỗ trợ và can thiệp cho những nạn nhân có nguy cơ bị xâm hại mới có hiệu quả.

Hiện, những dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em đã có. Nhưng chúng ta còn thiếu về mặt nguồn lực và đặc biệt là nhân lực để làm nhiệm vụ phát hiện, can thiệp kịp thời trước các nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo hành.

Tóm lại, chúng tôi vẫn nhấn mạnh muốn phòng ngừa được thì phải có đội ngũ nhân lực, có những dịch vụ đầy đủ hơn, sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ hơn về mặt pháp luật. Chúng ta phải tìm mọi cách phòng ngừa, để không phải nói "rất tiếc" sau mỗi sự việc xảy ra.

Xin cảm ơn ông!

'Kẻ xâm hại cháu tôi từng thề, phủ nhận làm chuyện ác'

Bác của nạn nhân cho biết từ khi vụ việc bị phanh phui, gia đình Tùng chưa một lần đến xin lỗi hay tỏ thái độ ăn năn. Kẻ bị cáo buộc hiếp dâm bé gái từng một mực phủ nhận.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm