Ông Quách Văn Tâm gia đình có truyền thống nuôi năm đời nối nghiệp ông cha với nghề nuôi cá cảnh. |
Mặc dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng ngày nào ông Tâm và con cháu cũng phải thức khuya dậy sớm để chăm sóc cho những đàn cá. Ông bảo, làm nghề này vất vả lắm, ăn may hàng tháng thu nhập được vài triệu đồng, lời thì ít mà rủi ro lại nhiều.
"Nhưng vì gắn bó, bén duyên với nghề từ nhỏ và cũng là cái nghiệp của ông cha để lại nên gia đình chúng tôi vẫn quyết duy trì, không ai muốn từ bỏ”, ông tâm sự.
Một góc không gian của mô hình nuôi cá cảnh tại gia đình ông Tâm, từ các loại cá đắt tiền cho đến các loại rẻ tiền, gia đình ông đều có để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. |
Ông chia sẻ, nhìn cách chăm sóc cá thì thấy đơn giản, nhưng thật ra rất tỉ mỉ và công phu, vì thế, ít người trụ được với nghề cá.
Để có được một lứa cá đẹp người nuôi phải biết cách chăm sóc, từ khâu cho ăn tới việc thay nước ở bể cá. Đơn giản như loài cá vàng truyền thống, muốn chúng mau lớn, sinh sản đúng thời kỳ thì phải chăm sóc thật cẩn thận, thức ăn chủ yếu là thủy trần. Mà muốn có được loại thủy trần này, người nuôi phải dậy từ sớm tinh mơ ra ao hồ vớt. Nước thay cho chúng cũng phải là nước sạch, dính phải nước bẩn là cá mắc bệnh và chết.
Theo ông, mỗi lần sinh sản cá có thể đẻ được hàng ngàn trứng, nhưng mỗi một lứa cá đẻ cũng chỉ lọc được vài trăm con cá khỏe mạnh và đẹp để làm cá giống. Việc cá sinh sản phụ thuộc rất nhiều và thời tiết và việc chăm sóc đúng kỹ thuật.
Nếu vào mùa hè tỷ lệ trứng cá nở có thể lên tới 60 – 70%, nhưng vào mùa đông chỉ vào khoảng 30 – 40%. Cá con mới nở thức ăn chính là bột mịn và nhỏ, dần dần sẽ điều chỉnh lượng và loại thức ăn theo từng thời kỳ phát triển của cá.
Cá Rồng có giá từ 7 đến 20 triệu đồng/con. |
Nỗi lo về nghề nuôi cá cảnh bị mai một theo thời gian
Ông Tâm cho biết, thời kỳ đỉnh cao nhất của nghề nuôi cá của làng Yên Phụ là vào những năm 50 – 60 của thế kỷ 20, lúc bấy giờ trong làng có trên 100 hộ gia đình cùng làm nghề. Nhưng ngày đó ở Hà Nội người ta chưa biết nhiều đến việc chơi cá cảnh, trai làng phải cho cá vào những chiếc thùng, rồi đem đi bán dạo dọc ngang các tuyến phố Hà Nội, chứ đâu biết đến bơm khí oxi vào túi nilon vận chuyển cho nhẹ nhàng.
Giờ thì cá cảnh Yên Phụ được nhiều người đã biết đến, không cần phải đi giao dọc theo các tuyến phố mà khách tự để chọn lựa để mang về hoặc đặt hàng.
Đàn cá chép Koi của gia đình ông Tâm mới thả cho khách ở Hà Nội chưa lâu. |
Nhưng khi quỹ đất đã hạn hẹp, lại có rất nhiều loại cá ngoại được nhập về khiến cho kỹ thuật nuôi ngày một khó. Hơn nữa, nghề lại rủi ro và không cho thu nhập là bao so với việ buôn bán kinh doanh mặt hàng khác.
Nghề nuôi cá cảnh trong làng ngày càng bị mai một, chỉ còn hơn chục hộ duy trì được.
Ngoài ra, khi nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm việc nuôi cá lại càng trở nên khó khăn hơn. Nếu như trước đây, người nuôi chỉ mỗi việc lấy nước ở Hồ Tây cho vào bể cá thì bây giờ gia đình ông Tâm và các hộ nuôi cá cảnh khác trong làng đều phải lọc nước trước khi và pha với nước sạch trước khi cho vào bể cá.
“Không biết làng nghề rồi sẽ ra sao, những khó khăn ngày một nhiều. Trong tương lai cái làng này có còn gọi là làng nghề nuôi cá cảnh nữa không hay chỉ là làng bán cá không thôi”, ông Tâm trăn trở.