Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá điện, xăng tăng ảnh hưởng lạm phát

Theo Tổng cục Thống kê, việc tăng giá xăng dầu, giá điện đã tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tỷ lệ lạm phát tháng 4.

Trong bản báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô tháng 4, Tổng cục Thống kê nêu rõ: “Việc tăng giá xăng dầu, giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng. Tuy nhiên, diễn biến của dịch tả lợn châu Phi tác động đến tâm lý người tiêu dùng và việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ góp phần kiềm chế lạm phát”.

Dien,  xang tang khien lam phat leo thang anh 1
Giá điện, xăng điều chỉnh đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng. Ảnh: L.H.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước. CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

9 trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 4,29%. Tổng cục Thống kê cho rằng nguyên nhân đến từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu tác động làm CPI chung tăng 0,41%, cũng như giá vé tàu hỏa tăng 2,76% bởi nhu cầu đi lại vào dịp nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương và nghỉ lễ 30/4-1/5.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng 0,6%. Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, chủ yếu do giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 8,36% từ ngày 20/3 vừa qua khiến chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,85% so với tháng trước; giá gas tăng 1,42% và giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,98%.

Tương tự, nhiều nhóm hàng hóa khác cũng tăng giá như thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,1% hay đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%. Ở chiều ngược lại, có 2 nhóm giảm giá là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,57% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.

Trong khi đó, lạm phát cơ bản tháng 4 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định tỷ lệ lạm phát vẫn sẽ còn tiếp tục leo thang ở những tháng tiếp theo.

“Quyết định áp thuế bảo vệ môi trường kịch trần lên xăng dầu, xu hướng tăng trở lại của giá dầu thế giới cùng việc tăng giá điện thêm 8,36% đều xảy ra trong 3 tháng đầu năm. Những điều chỉnh này thường không tác động ngay đến tỷ lệ lạm phát của quý đó mà kéo dài thậm chí đến 1 năm và ảnh hưởng mạnh nhất sau khoảng 3-4 tháng”, vị chuyên gia kinh tế này nói.

Nhiều nơi bỏ hẳn bán xăng E5

Phản ánh việc nhiều nơi bỏ hẳn bán xăng E5 vì giá bán chưa hấp dẫn, chiết khấu chưa tốt, Saigon Petro lại đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này.

Hóa đơn tiền điện tăng phi mã, dân ‘tưởng EVN gửi nhầm nhà’

Nhiều người dân Hà Nội phát hoảng khi hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng vọt. Một số còn cho rằng họ không hề biết thông tin EVN tăng giá thêm 8,36% từ 20/3.


Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm