Tại phiên họp đó, việc dự thảo luật bổ sung một số loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá, trong đó có cả giá thuê mặt bằng, giá dịch vụ phi hàng không khác tại cảng hàng không, sân bay đã khiến một vị rất băn khoăn. Bởi phạm vi bổ sung rộng hơn quy định tại Luật Giá.
Nhưng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, nếu theo Luật Giá thì không xử lý được tình trạng giá mì ăn liền tại các sân bay bị đội lên ngất ngưởng khiến dư luận bức xúc vừa qua.
Một cửa hàng ở Sân bay Nội Bài. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo mới nhất đã được chỉnh lý theo hướng Nhà nước quy định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu. Còn giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác sẽ được điều tiết bởi cơ chế thị trường do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thực hiện niêm yết công khai để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát. So với dự thảo đã trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ bảy vào giữa năm nay, dự thảo luật vừa gửi xin ý kiến đại biểu đã có thêm một điều sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 3 điều 19 Luật giá.
Theo đó, nhà nước sẽ định mức giá cụ thể đối với các dịch vụ hàng không, bao gồm: dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; giá phục vụ hành khách; giá bảo đảm an ninh hàng không và giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; dịch vụ kết nối viễn thông; giá truyền tải điện; giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
Nhà nước sẽ định khung giá đối với giá phát điện; giá bán buôn điện; mức giá bán lẻ điện bình quân; giá dịch vụ hàng không khác; giá thuê mặt bằng, giá dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay.
Liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không, có ý kiến đại biểu đề nghị bỏ quy định Nhà nước quy định khung giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa để các hãng vận chuyển thực hiện theo cơ chế thị trường.
Đề nghị vẫn giữ quy định này, Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích, mục đích của việc Nhà nước quy định khung giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa một mặt tránh việc các doanh nghiệp hàng không nâng giá dịch vụ tùy tiện, bất hợp lý khó kiểm soát, đặc biệt là trong những giai đoạn cao điểm như mùa du lịch, dịp nghỉ lễ, Tết. Mặt khác, để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp hàng không, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách bán phá giá.
Hiện nay, để cạnh tranh, các doanh nghiệp hàng không nội địa đã quy định các mức giá cạnh tranh khác nhau cho từng phân khúc thị trường nhưng vẫn thấp hơn mức giá trần do Nhà nước quy định, dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu dự án luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ.
Qua góp ý của đại biểu, cơ quan tiếp thu chỉnh lý dự án luật cũng cho rằng luật cũng còn thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp vận chuyển hàng không trong việc bảo đảm thực hiện các điều kiện vận chuyển. Trong đó có việc duy trì chất lượng tối thiểu của dịch vụ, quy định về tiêu chuẩn tối thiểu mà doanh nghiệp phải bảo đảm cho hành khách trong trường hợp xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến...
Để khắc phục những hạn chế trên đây, dự thảo luật đã bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, trong đó có nghĩa vụ duy trì các điều kiện vận chuyển và nghĩa vụ duy trì chất lượng tối thiểu dịch vụ vận chuyển. Đồng thời giao Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm tối thiểu của người vận chuyển đối với hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay trong các trường hợp cụ thể việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm, chuyến bay bị hủy, hành khách không được vận chuyển cho phù hợp với thực tế.
Tại kỳ họp cuối năm nay Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.