Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá dầu thế giới trong phiên mở cửa đầu tuần tiếp tục hành trình leo dốc sau hơn 6 ngày sụt giảm trước đó. Hiện giá hai loại dầu Brent và WTI đã quay về ngưỡng xác lập đầu tháng 3.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 4,1 USD lên 112,03 USD/thùng, tương đương 3,8%. Dầu WTI tăng 4,1 USD lên 108,81 USD/thùng, tương đương 3,95%.
So với đầu tuần trước (giai đoạn giá dầu lao dốc), giá dầu thế giới đã tăng trên dưới 5%. Theo CNBC, việc các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine không tiến triển khiến thị trường quay lại tâm lý lo lắng về nguồn cung và phản ánh trong giá dầu.
Giá dầu Brent lấy lại ngưỡng trên 110 USD/thùng. Ảnh: Trading Economics. |
Trong một lưu ý, Ngân hàng Mizuho cho biết sự không chắc chắn kéo dài giữa Nga-Ukraine cũng như tình hình dịch bệnh lạc quan ở Trung Quốc là hai yếu tố thúc đẩy giá dầu. Hiện trung tâm công nghiệp Thâm Quyến cùng một số địa phương ở Trung Quốc đã được nới lỏng hạn chế.
Chia sẻ với CNN hôm 20/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngỏ ý tổ chức một cuộc đàm phán khác với Moscow. Ông đồng thời cảnh báo về cuộc chiến tranh thế giới thứ III nếu những nỗ lực này thất bại.
Trong khi đó, nguồn cung thắt chặt tiếp tục khiến thị trường lo lắng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 18/3 đã phải lên tiếng kêu gọi các biện pháp khẩn cấp để cắt giảm sử dụng dầu.
Theo thống kê từ Goldman Sachs, Nga cung cấp 11% lượng dầu thô và 17% khí đốt cho thế giới. Trong đó 40% lượng khí đốt nhập khẩu của Tây Âu đến từ Nga.
Tuần này, giới chức Liên minh châu Âu (EU) sẽ có cuộc họp với Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm xem xét lệnh cấm vận dầu mỏ mới đối với Nga.
Theo ngân hàng Khối thịnh vượng chung Australia, việc thị trường định giá năng lượng với kịch bản sẽ có một giải pháp ngoại giao được đưa ra là nguyên nhân khiến giá dầu hạ nhiệt.
“Tình trạng thiếu hụt nguồn cung liên quan đến các lệnh trừng phạt hiện tại đối với Nga sẽ đóng vai trò quyết định giá dầu”, Vivek Dhar, phụ trách nghiên cứu hàng hóa năng lượng của ngân hàng, cho biết.
Reuters trích dẫn các nguồn tin cho biết một số nhà sản xuất thuộc OPEC+ đang chưa đạt hạn ngạch cần thiết là hơn 1 triệu thùng/ngày.
“Việc ngành công nghiệp không có khả năng lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào khiến nhu cầu tiêu thụ giảm xuống”, các nhà phân tích của ANZ Research nhận định.