Mới đây, Qasem Soleimani, người đứng đầu lực lượng vũ trang tinh nhuệ Quds của Iran, đã bị ám sát trong một cuộc không kích vào sân bay quốc tế Baghdad. Cái chết của tướng Soleimani đã khiến người dân Iran vô cùng phẫn nộ và tuyên bố sẽ trả thù Mỹ.
Căng thẳng vũ trang tại Trung Đông kéo theo giá dầu tăng vọt. Nguồn tin AFP cho biết giá dầu thô Brent, được xem là thước đo toàn cầu, đã tăng 4,5% lên mức 69,23 USD/thùng trên sàn giao dịch London (Anh) vào sáng ngày 3/1. Trong khi đó, giá dầu thô WTI tại New York cũng tăng 4,1%, lên mức 63,71 USD/thùng.
Con số này được xem là mức giá cao nhất kể từ tháng 9/2019 sau khi Iran bị cáo buộc tấn công 2 cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, làm giảm 5% sản lượng tại nguồn cung dầu mỏ lớn nhất thế giới, khiến giá dầu tăng kỷ lục, lên tới 14%.
Giá dầu thô thế giới gần chạm mốc 70 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9/2019. Ảnh: CNN. |
Đài CNBC dẫn lời các nhà phân tích cho biết giá dầu thế giới có thể tăng lên mức 80 USD/thùng trong thời gian tới nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, làm gián đoạn nguồn cung dầu thô ở Trung Đông.
Nguồn tin Bloomberg cũng nhận định rằng giá dầu thô có thể tăng đột biến với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, bao gồm cả Nga.
Trong lịch sử, xung đột ở Trung Đông cũng khiến giá dầu tăng đáng kể. Năm 1990, khi Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất bắt đầu, giá xăng đã tăng 11% so với năm liền trước. Trước đó, giá xăng dầu cũng đã tăng gần một phần ba trong khoảng thời gian 1979-1980 do bùng nổ của cuộc Cách mạng Iran.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giá dầu tăng cao không phải điều quá lo ngại với Mỹ, bởi nước này có nguồn dầu đá phiến dồi dào.
Patrick DeHaan, chuyên gia phân tích dầu khí tại GasBuddy (một công ty công nghệ có trụ sở tại Boston, Mỹ), cho biết: “Chúng tôi đã tăng sản lượng lên 7,5 triệu thùng dầu đá phiến mỗi ngày so với thập kỷ trước. Đây là sự thay đổi lớn đối với mô hình cung - cầu xăng dầu trên thế giới”.
Sự bùng nổ đá phiến đã giúp Mỹ không còn phụ thuộc vào dầu mỏ của nước ngoài như những gì đã xảy ra trong cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003 (còn được gọi là Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ 2). Trong thập kỷ qua, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi, từ 5 triệu thùng/ngày lên gần 12 triệu thùng/ngày.
Theo Bloomberg, sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020, giúp người tiêu dùng bớt hoang mang trước sự tăng vọt của giá dầu thế giới.