Theo Trading Economics ngày 18/11, mỗi thùng dầu Brent đã giảm 3,5 USD trong vòng 24 giờ qua xuống 88,5 USD, chính thức mất mốc quan trọng 90 USD/thùng. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10.
Giá dầu WTI chuẩn Mỹ cũng giảm 3,3 USD mỗi thùng từ 83,7 USD/thùng xuống 80,4 USD/thùng chỉ sau một ngày.
"Giá dầu trượt dốc do rủi ro địa chính trị giảm đi và nhu cầu tại Trung Quốc đứng trước nguy cơ lao dốc", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - bình luận với Zing.
Giá dầu thế giới lao dốc mạnh hôm 18/11. Ảnh: Trading Economics. |
Sức ép lên nhu cầu
Theo ông, giá dầu đã tăng vọt vào đầu tuần, sau khi giới chức Ba Lan thông báo tên lửa rơi xuống làng Przewodow ở đông nam nước này, giáp biên giới với Ukraine.
Ông Erlam giải thích những lo ngại về căng thẳng leo thang đã đẩy giá dầu lên cao. "Rất may, căng thẳng đang hạ nhiệt và nỗi sợ cũng dịu đi. Điều đó khiến đà tăng trưởng của dầu chững lại", vị chuyên gia nói thêm.
"Trong khi đó, tình hình ở Trung Quốc vẫn là rủi ro lớn đối với nhu cầu dầu toàn cầu, dù Bắc Kinh đã nới lỏng một số yêu cầu chống dịch", ông Erlam bình luận.
Số ca nhiễm Covid-19 mới đang tăng nhanh tại các thành phố lớn ở Trung Quốc. Những đợt xét nghiệm hàng loạt và hạn chế chống dịch có thể làm gián đoạn các hoạt động kinh tế tại đất nước 1,4 tỷ dân.
Giá của dầu Brent chuẩn toàn cầu và dầu WTI đều rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng. Ảnh: Trading Economics. |
Dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 15/11 chỉ ra 3 chỉ số kinh tế của nước này trong tháng 10 đều thấp hơn dự báo.
Dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ giảm 0,5% trong tháng 10 so với một năm trước đó, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ tháng 5. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp tăng trưởng 5%, thấp hơn dự báo 5,2% của các nhà phân tích được Reuters khảo sát.
Đầu tư trong lĩnh vực sản xuất giảm nhẹ so với tháng 9, đầu tư vào bất động sản tiếp tục đi xuống sau một năm. Giới quan sát cảnh báo các hoạt động kinh tế bị gián đoạn hoặc sụt giảm sẽ kéo nhu cầu dầu tại đất nước 1,4 tỷ dân đi xuống, từ đó tạo sức ép lên giá dầu.
Động thái tiếp theo của OPEC+
Trên thị trường toàn cầu, nỗi lo ngại về nhu cầu suy yếu đã lấn át các dấu hiệu cho thấy nguồn cung sẽ giảm đi vào mùa đông. "Rủi ro đi xuống của nền kinh tế toàn cầu vẫn rất đáng ngại, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất sớm hơn", ông Erlam nhận định.
Mới đây, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022. Đây là lần cắt giảm thứ 5 của tổ chức này kể từ tháng 4.
Nguyên nhân được OPEC đưa ra là thách thức kinh tế gia tăng, bao gồm gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát và lãi suất tăng cao.
Liệu OPEC+ có tiếp tục cắt giảm sâu hơn nữa nếu triển vọng vẫn xấu đi?
Chuyên gia tài chính Craig Erlam
Hôm 13/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khẳng định triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đã trở nên ảm đạm hơn so với dự báo được đưa ra vào tháng trước. IMF viện dẫn kết quả của các cuộc khảo sát quản lý thu mua trong những tháng qua.
Theo ông Erlam, việc giá dầu Brent rơi xuống dưới ngưỡng 90 USD/thùng sẽ thách thức sự kiên nhẫn của OPEC+ (OPEC và đồng minh).
Nhóm này đã bị chỉ trích dữ dội vì cắt giảm mục tiêu sản lượng 2 triệu thùng/ngày bất chấp tình trạng bất ổn trên thị trường dầu toàn cầu. Giá dầu hiện chỉ cao hơn một chút so với đáy tháng 9, trước khi OPEC+ đưa ra quyết định bất ngờ.
"Liệu OPEC+ có tiếp tục cắt giảm sâu hơn nữa nếu triển vọng vẫn xấu đi?", ông Erlam đặt câu hỏi. Nhóm này sẽ có cuộc họp trong vài tuần nữa.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...