Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá dầu thế giới mất mốc 100 USD/thùng

Lo ngại suy thoái tạo sức ép lớn lên thị trường dầu thế giới. Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu giảm hơn 10% chỉ sau một ngày, trong khi giá dầu WTI mất mốc 100 USD/thùng.

Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 6/7 (giờ Việt Nam), giá dầu thô đã rơi thẳng đứng xuống dưới ngưỡng quan trọng 100 USD/thùng. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 10,24 USD/thùng, tương đương 9,44% so với một ngày trước đó, xuống 98,2 USD/thùng.

Tương tự, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu ghi nhận mức giảm 11,6 USD/thùng, tương đương 10,27%, còn 101,79 USD/thùng.

Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế cho rằng những lo ngại suy thoái đã tác động mạnh lên thị trường dầu thế giới. "Nỗi sợ suy thoái đã lấn át tình trạng khan hiếm nguồn cung thực tế", ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Anh nhận định.

Gia dau tho lao doc anh 1

Giá dầu thô Brent lao dốc mạnh do lo ngại nhu cầu lao dốc vì một cuộc suy thoái kinh tế. Ảnh: Trading Economics.

Làn sóng bán tháo

"Thị trường dầu thế giới vẫn bị thắt chặt nghiêm trọng. Điều đáng buồn là trường hợp duy nhất khiến giá giảm đáng kể là một cuộc suy thoái", ông bình luận.

Mới đây, Citigroup cho rằng nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lên tới gần 50%. Nomura Holdings Inc. cũng cảnh báo các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Nguyên nhân là việc giới chức siết chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, lạm phát tăng cao và tăng trưởng giảm tốc.

Nomura dự báo cả Mỹ và các nền kinh tế khu vực đồng EUR đều suy yếu 1% trong năm 2023. Còn Trung Quốc - động lực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới - vẫn đang chật vật với dư chấn từ những đợt phong tỏa ngăn Covid-19. Cùng với đó là sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản.

Nỗi sợ suy thoái đã lấn át tình trạng khan hiếm nguồn cung thực tế

Ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Anh

Một cuộc suy thoái kinh tế sẽ đè nặng lên nhu cầu dầu, góp phần hạ nhiệt giá dầu, vốn đã tăng phi mã trong vài tháng qua sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.

Nguy cơ suy thoái cũng khiến thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ. Đầu phiên giao dịch ngày 5/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones ghi nhận mức giảm 1,43%, còn chỉ số S&P 500 mất 0,91%.

Chỉ số S&P 500 vừa ghi nhận nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970. Kể từ tháng 1 đến hết tháng 6, chỉ số lao dốc 20,6%.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng ghi nhận mức giảm trong 6 tháng đầu năm lớn nhất kể từ năm 1962. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ giảm kỷ lục.

Theo hãng tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates, tình trạng thắt chặt trên thị trường dầu toàn cầu sẽ giảm bớt nếu một cuộc suy thoái khiến nhu cầu lao dốc.

Tính đến ngày 5/7, giá xăng trung bình toàn quốc tại Mỹ đã giảm còn 4,8 USD/gallon. Hồi đầu tháng 6, giá vượt ngưỡng 5 USD/gallon.

Nguồn cung thực tế vẫn eo hẹp

"Thị trường dầu vẫn đang gặp khó khi thị trường chuyển từ mối lo ngại lạm phát sang nỗi sợ suy thoái", chuyên gia Stephen Innes của SPI Asset Management nhận định. Hôm 5/7, Citi dự báo giá dầu Brent có thể giảm xuống còn 65 USD/thùng vào cuối năm nay nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, Citi là một trong số ít tổ chức cho rằng giá dầu sẽ giảm. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể vượt ngưỡng 140 USD/thùng.

"Các thị trường tài chính đang giao dịch dựa trên khả năng xảy ra một cuộc suy thoái. Nhưng những thị trường thực tế mới cho các vị câu trả lời", ông Jeffrey Currie - Trưởng bộ phận Nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs - nhận định.

Gia dau tho lao doc anh 2

Giá dầu thô WTI lần đầu rơi xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng kể từ giữa tháng 5. Ảnh: Trading Economics.

Còn theo đội ngũ phân tích của JPMorgan Chase & Co., giá dầu toàn cầu có thể đạt mức 380 USD/thùng nếu Nga giảm sản lượng dầu thô nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.

Nói với Zing, ông Edward Moya, chuyên gia phân tích của OANDA (trụ sở ở Mỹ), cho rằng lo ngại suy thoái đang góp phần hạ nhiệt giá dầu, nhưng giá đã giảm khá mạnh so với mức kỷ lục hồi tháng 3. "Vì vậy, giá sẽ không giảm nhiều vì nguồn cung thực tế vẫn còn khan hiếm", ông nhận định.

Trên thực tế, giá dầu thô thế giới đã giằng co liên tục trong tuần qua, bởi lo ngại khan hiếm nguồn cung và nỗi sợ suy thoái thay nhau chi phối tâm lý thị trường. Hôm 1/7, giá dầu cũng giảm mạnh sau khi nền kinh tế toàn cầu kết thúc nửa đầu năm 2022 nhiều thách thức.

Vì sao giá dầu giằng co liên tục?

Hai nỗi sợ đang thay nhau chi phối thị trường dầu toàn cầu. Đó là mối lo ngại khan hiếm nguồn cung và rủi ro kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Trung Quốc hưởng lợi nhờ cuộc chiến giá dầu

Khi dầu thô giá rẻ của Nga tràn vào thị trường Trung Quốc, Iran phải hạ giá dầu để giữ thị phần. Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh sẽ hưởng lợi nhờ cuộc đua giảm giá.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm