Theo dữ liệu của Trading Economics, trong vòng 24 giờ qua, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu có thời điểm vượt ngưỡng 120 USD/thùng, rồi lao dốc còn hơn 115 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI rơi từ mức cao trong ngày - gần 114 USD/thùng - xuống 109,71 USD/thùng.
Giá xăng cũng lao dốc theo đà giảm của giá dầu. Theo dữ liệu của AAA Gas Prices, tính đến ngày 30/6, giá xăng trung bình tại Mỹ giảm còn 4,857 USD/gallon.
Theo các chuyên gia quốc tế, thông tin về sản lượng và tồn trữ xăng của Mỹ đã chặn đà tăng của giá dầu trong những ngày qua.
Giá dầu thô Brent quay đầu giảm, chấm dứt chuỗi tăng trong tuần qua. Ảnh: Trading Economics. |
Tăng cao vì lo ngại thiếu hụt
"Những ngày qua, giá dầu tăng cao khi lo ngại về khan hiếm nguồn cung vượt qua nỗi sợ suy thoái. Cuộc họp của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) đã kết thúc. Nhưng nhóm này không đưa ra quyết định lớn nào", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - bình luận với Zing.
Ông cho rằng trong cuộc họp vào ngày 30/6 (theo giờ Mỹ), OPEC+ (OPEC và đồng minh) cũng khó đưa ra những thay đổi chính sách lớn. Tại cuộc họp gần nhất, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng mỗi tháng thêm 648.000 thùng/ngày vào tháng 7 và tháng 8. Kế hoạch trước đó là tăng thêm 432.000 thùng/ngày trong vòng 3 tháng.
Giá dầu tăng cao khi lo ngại về khan hiếm nguồn cung vượt qua nỗi sợ suy thoái. Cuộc họp của OPEC đã kết thúc. Nhưng nhóm này không đưa ra quyết định lớn nào
Ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London
Còn theo chuyên gia Jeffrey Halley - chuyên gia tài chính có trụ sở ở Singapore, các con số cơ bản cho thấy nguồn cung vẫn còn khan hiếm nghiêm trọng. "Sản lượng ở Ecuador và Libya giảm mạnh. Những cuộc đàm phán hạt nhân chưa có tiến triển. Giá dầu khó có thể ghi nhận mức giảm mạnh", ông nói với Zing.
Libya - quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất châu Phi - đã mắc kẹt trong cuộc xung đột kéo dài 11 năm kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo M.Gaddafi vào năm 2011. Xung đột khiến hoạt động của các đường ống dẫn dầu thô, nhà máy lọc dầu và cảng xuất khẩu của Libya thường xuyên bị gián đoạn.
Hồi giữa tháng 6, nói với CNN, Bộ Dầu mỏ Libya tiết lộ sản lượng đã rơi xuống 100.000 thùng/ngày vào tháng 6, giảm mạnh từ mức 1,2 triệu thùng/ngày hồi năm ngoái.
Trong khi đó, tối 29/6, phía Liên minh châu Âu xác nhận các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ đã kết thúc mà không đạt tiến triển như kỳ vọng.
"Những đồn đoán xoay quanh nguồn cung của Saudi Arabia và UAE cũng khiến lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung phình to", ông Erlam nói với Zing.
Tuần này, nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông được thông báo rằng Saudi Arabia và UAE - 2 thành viên hiếm hoi của OPEC có năng lực sản xuất dư thừa lớn - gần như không tăng sản lượng dầu.
Giá dầu đảo chiều
"Tuy nhiên, giá đã lao dốc vào giữa phiên giao dịch tại Mỹ sau khi dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn trữ xăng tăng lên", chuyên gia Erlam bình luận.
Cụ thể, theo báo cáo, tồn trữ dầu thô của Mỹ đã giảm vào tuần trước, ngay cả khi sản lượng đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Tuy nhiên, tồn kho nhiên liệu tăng cao do các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động với 95% công suất, mức cao nhất cùng kỳ trong vòng 4 năm qua.
Trong khi đó, giá cao cũng tàn phá nhu cầu dầu tại Mỹ trong mùa du lịch cao điểm. Theo công ty cung cấp dữ liệu OPIS, trong tuần đầu tiên của tháng 6, doanh số của các trạm xăng ở Mỹ đã giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các tài xế đang tìm cách di chuyển ít hơn. Nhiều người chuyển sang đi chung xe hoặc dùng phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó, theo giới quan sát, một số nhân viên văn phòng tăng số ngày làm việc từ xa.
Vào đầu tháng 6, giá xăng đã xuyên thủng ngưỡng 5 USD/gallon. Ảnh: AAA Gas Prices. |
"Điều này đã khiến giá dầu đảo chiều", chuyên gia tài chính Halley nhận định.
"Dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất tăng cao đã làm giảm áp lực lên thị trường. Trong khi đó, việc sản lượng đi lên cũng giúp hạ nhiệt giá dầu", chuyên gia John Kilduff tại Again Capital LLC (có trụ sở ở New York) chia sẻ.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư cũng lo ngại về khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ. Một cuộc suy thoái của nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ đè nặng lên nhu cầu dầu.
Ông Dan Yergin - Phó chủ tịch S&P Global - cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn để kiểm soát lạm phát. "Điều này sẽ tác động lên giá dầu", ông giải thích.