sau khi 7.800 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm nay, các ngân hàng trung ương quyết định mở rộng đối phó với tình trạng bất ổn của thị trường. Ảnh: Bloomberg |
Chứng khoán toàn cầu tăng điểm mạnh nhất trong hơn 3 năm qua. Chỉ số MSCI All Country World Index tăng 2,6%. Điểm chuẩn từ châu Á đến châu Âu và châu Mỹ phục hồi trở lại sau những ngày tồi tệ đầu năm.
Theo Bloomberg, chỉ số S&P 500 tăng điểm tốt nhất trong 6 tuần trở lại, tăng 2% vào lúc 16h ngày 22/1 tại New York (Mỹ). Dow Jones Industrial Average tăng 1,3%. Stoxx Europe 600 Index tăng 3%.
Trên sàn của các khu vực thị trường mới nổi, MSCI Emerging Markets Index tăng 3,3%. Hang Seng China Enterprises Index của đại lục được giao dịch tại Hong Kong tăng 3,4%. Các chỉ số cổ phần tại Ấn Độ, Nam Phi, Hàn Quốc, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, cộng hoà Czech và Philippines tăng ít nhất 2%. Micex Index của Nga tăng 1,8%.
Chứng khoán châu Âu có 2 ngày tăng điểm tốt nhất kể từ năm 2011 do xuất hiện những dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương châu Âu có thể thúc đẩy hỗ trợ kinh tế. Trong khí đó, sàn châu Á tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái do dự đoán Nhật Bản và Trung Quốc có thể ổn định thị trường. Lợi tức trái phiếu 10 năm tăng lên 2,05%.
Bên cạnh đó, dầu thô Brent tăng 8%, lên mức 31,6 USD một thùng trên sàn ICE Futures Europe. Trong 2 ngày, giá dầu đội mốc 13%, con số lớn nhất kể từ cuối tháng 8 năm ngoái. Tại New York, giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 8,1%, lên mức 31,93 USD một thùng.
Khí gas tự nhiên của Mỹ tăng giá khi một cơn bão tuyết ập vào miền đông nước này. Giao dịch kỳ hạn trong tháng 2 tăng 2,3% trong tuần này và thêm 0,5% vào hôm 22/1, lên mức 2.149 USD với một triệu đơn vị nhiệt của Anh.
Cú ngược dòng này xuất hiện trong bối cảnh các ngân hàng trung ương chuẩn bị hành động sau khi 7.800 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm nay, bởi những quan ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và giá dầu. Dự đoán lạm phát và đồng yen tăng giá được xem là những áp lực đối với ngân hàng Nhật Bản. Họ sẽ họp để bàn về biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế trong tuần tới.
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục can thiệp vào thị trường vốn cổ phần để “chăm sóc” các nhà đầu tư và không có ý định tiếp tục giảm giá đồng nhân dân tệ, phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều nói.
“Đó là một phản ứng kinh điển sau những bình luận của nhà kinh tế học Mario Draghi vào hôm qua và tiếng động kích thích Nhật trong đêm. Vấn đề là chúng ta đi từ đây đến đâu. Việc kích cầu nhằm hỗ trợ các nền kinh tế ngày càng khó khăn hơn.
Vì vậy, cú ngược dòng này không có nghĩa là một sự thay đổi trong trung hạn hay dài hạn. Tuy nhiên, ít nhất chúng ta đã có môi trường kinh doanh ổn định hơn trong một vài ngày”, Veronika Peaclaner, người giúp giám sát 10 tỷ USD tại Ashburton Investments, nói.