Vào tháng 10 năm ngoái, OPEC+ đã công bố quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày. Ảnh: Bloomberg. |
Theo CNBC, giá dầu đã tăng tới 8% khi mở cửa sau khi OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng 1,16 triệu thùng/ngày.
Ngay sau động thái của OPEC+, giá dầu Brent đã tăng 5,07%, lên mức 83,95 USD/thùng. Bên cạnh đó, giá dầu WTI cũng tăng 5,17%, chạm mức 79,59 USD/thùng.
Quyết định cắt giảm của OPEC+ sẽ bắt đầu từ tháng 5 đến hết năm 2023. Saudi Arabia cho biết đây là một “biện pháp” nhằm ổn định thị trường dầu mỏ.
Động thái này diễn ra sau khi ông Alexander Novak, Phó thủ tướng Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày từ nay cho đến cuối năm 2023.
Các quốc gia thành viên khác của cũng đã cam kết cắt giảm sản lượng dầu tương ứng. Trong đó, Saudi Arabia giảm 500.000 thùng/ngày và UAE giảm 144.000 thùng/ngày. Ngoài ra, các quốc gia như Kuwait, Oman, Iraq, Algeria và Kazakhstan cũng đã ghi nhận những động thái tương tự.
“Kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ có thể đẩy giá dầu lên mốc 100 USD/thùng một lần nữa”, bà Tina Teng, nhà phân tích của CMC Markets, nhận định.
Tuy nhiên, bà Teng lưu ý rằng việc cắt giảm cũng có thể đảo ngược sự suy giảm của lạm phát. Điều đó sẽ “khiến các quyết định về lãi suất của những ngân hàng trung ương trở nên khó khăn hơn”.
Vào tháng 10 năm ngoái, OPEC+ đã công bố quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày. Vào thời điểm đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden “thất vọng trước quyết định của OPEC+” trong khi cả thế giới vẫn đang chật vật vì cuộc chiến ở Ukraine.
“Tuy nhiên, không giống như lần cắt giảm trước, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang tăng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc,” Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo.
Theo các dự báo đến từ Goldman, điều đó có thể khiến giá dầu Brent tăng thêm 5 USD/thùng, lên mức 95 USD/thùng, vào tháng 12/2023.
Ông Daan Struyven, chuyên gia phân tích đến từ Goldman Sachs, cho biết việc cắt giảm bất ngờ của OPEC+ là “phù hợp” với học thuyết hành động phủ đầu của tổ chức này.
Vào tháng 3 năm nay, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Điều này xuất phát từ việc các nhà giao dịch lo ngại những bất ổn trong hoạt động ngân hàng có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Một nhà phân tích cho biết OPEC+ và các đồng minh khác đang tìm cách tránh lặp lại biến cố năm 2008, thời điểm giá dầu giảm từ 140 USD/thùng xuống còn 35 USD/thùng trong 6 tháng.
“Họ đang nhìn vào nửa cuối năm nay và không muốn mọi thứ diễn ra như năm 2008”, ông Bob McNally, chủ tịch của Rapidan Energy Group, cho biết.
Ông McNally nhận định thêm rằng giá dầu có thể “tăng vọt lên mức 100 USD/thùng nếu nhu cầu của Trung Quốc quay trở lại mức 16 triệu thùng/ngày vào nửa cuối năm nay và nguồn cung của Nga bắt đầu giảm do các lệnh trừng phạt”.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.