Ở 10 phiên gần nhất, giá dầu thô Mỹ WTI tăng 7, giảm 3 phiên. Từ mức giao dịch 14.2 USD/thùng hôm 23/4, kết thúc phiên 6/5 đạt 23.99 USD/thùng.
Cùng thời gian này, giá dầu Brent tăng từ 20.89 USD/thùng lên 29,72 USD/thùng, có thời điểm vượt 32 USD/thùng. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến 6 phiên tăng liên tiếp từ 28/4 đến 5/5, tăng 56% giá trị.
Đến 11h45 ngày 7/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI tăng 0,18 USD/thùng, lên mức 25,67 USD/thùng. Dầu Brent giao dịch quanh 29,91 USD/thùng.
Các công ty sản xuất dầu Mỹ quyết liệt cắt giảm sản lượng khai thác. Ảnh: Getty Images. |
Giá dầu thành phẩm được rao bán ở sàn giao dịch Singapore (dựa vào để điều hành giá xăng trong nước) tính đến ngày 5/5 cũng đang tăng mạnh.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình 22,1 USD/thùng, xăng RON 95 là 23,7 USD/thùng, hiện tăng lần lượt 19,6% và 20% so với kỳ trước.
Theo Capital Economics, áp lực về kho chứa dầu tại Mỹ đang dần được giảm bớt. Tuy nhiên, nguy cơ hết sạch chỗ chứa vẫn tồn tại.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ mới đây cho biết lượng dự trữ dầu thô tại Mỹ đã tăng 15 tuần liên tiếp, mức tăng 4,6 triệu thùng. Con số này thấp hơn 3,2 triệu thùng so với dự báo của Reuters.
Trong khi đó, Iraq - nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 2 OPEC sau Arab Saudi - chưa thông báo tới khách hàng việc sẽ hạn chế xuất khẩu dầu mỏ. Điều này cho thấy quốc gia Trung Đông đang không sẵn sàng cắt giảm sản lượng khai thác theo thỏa thuận.
Hiện tại, thị trường dầu thô đang diễn biến hoàn toàn trái ngược hồi tháng trước, có thời điểm xuống gần -40 USD/thùng. Theo Barrons, việc các nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ xăng và dầu diesel sẽ tăng mạnh khi Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội ngặt nghèo để chống dịch Covid-19 khiến giá dầu thô tăng vọt.
Bên cạnh đó, các công ty dầu toàn cầu đang quyết liệt cắt giảm sản lượng khai thác. Thống kê của Rystad Energy cho thấy sản xuất dầu thô Mỹ đã sụt gần 1 triệu thùng/ngày kể từ mức đỉnh hồi tháng 3.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định thị trường dầu thô vẫn đang hứng chịu sức ép dữ dội và có thể sẽ lại rơi vào khủng hoảng trong vài tuần tới. Vấn đề lớn nhất là không gian trữ dầu trên phạm vi toàn cầu đang ngày càng chật hẹp.