Thị trường dầu thô Mỹ vừa trải qua cơn địa chấn khi giá dầu WTI giao tháng 5 trên sàn New York trong phiên giao dịch 20/4 giảm hơn 100% và chốt ở mức -37,63 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thô Mỹ giao dịch ở "cõi âm".
Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất dầu thô phải trả tiền cho bên mua thay vì ngược lại. Dù vậy, trong phiên giao dịch qua đêm, giá dầu WTI giao tháng 5 đã quay trở lại "dương thế", dao động ở mức 1,17 USD/thùng. Đầu năm nay, giá dầu đạt hơn 60 USD/thùng.
Theo New York Times, cú sụp đổ đáng kinh ngạc đó là kết quả của những diễn biến đầy phức tạp trên thị trường giao dịch dầu tương lai, nhưng cũng cho thấy sự rối loạn của ngành công nghiệp dầu khí trong thời điểm dịch Covid-19 làm nền kinh tế toàn cầu tê liệt.
Nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu lao dốc không phanh. Saudi Arabia, Nga và các quốc gia khác đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác, nhưng các kho chứa dầu trên thế giới đã sắp chật cứng. Và ngành công nghiệp dầu thô toàn cầu vẫn đang xả 100 triệu thùng/ngày ra thị trường.
Giá dầu sụp đổ khi dịch virus corona chủng mới tàn phá nền kinh tế thế giới. Ảnh: Getty Images. |
Hết chỗ chứa dầu
Giá dầu rơi xuống mức âm một phần là bởi cách dầu được giao dịch trên thị trường. Hợp đồng tương lai buộc bên mua phải lấy dầu trong tháng 5 đáo hạn vào ngày 21/4. Nhưng không ai muốn mua bởi không có chỗ để chứa dầu.
Trong khi đó, các hợp đồng dầu giao tháng 6 vẫn được giao dịch với giá khoảng 22 USD mỗi thùng, giảm 16% so với một ngày trước đó. Các hợp đồng giao tháng 7 và 8 vẫn duy trì ổn định ở mức trên 20 USD/thùng.
“Nếu bạn là nhà sản xuất, thị trường đã biến mất. Và nếu không thể tìm được chỗ chứa dầu thì vận may của bạn đã cạn kiệt”, New York Times dẫn lời ông Aaron Brady, Phó chủ tịch hãng nghiên cứu và tư vấn IHS Markit, nhận định. “Cả hệ thống đang bị tê liệt”.
Các nhà máy lọc dầu giờ đây không còn muốn nhận thêm dầu thô để sản xuất thành xăng, dầu diesel hay các sản phẩm từ dầu khác nữa vì nhu cầu đi lại trên toàn thế giới giảm mạnh trong dịch bệnh. Thêm vào đó, thương mại toàn cầu cũng lao dốc đáng kể.
Các kho chứa chật chỗ, nhiều công ty phải trữ dầu trên xà lan hay bất cứ ngóc ngách nào còn trống. Điểm sáng duy nhất của ngành kinh doanh dầu mỏ hiện nay chính là những công ty sở hữu bể chứa. "Đó là thực tế của thị trường", nhà phân tích Louise Dickson thuộc Rystad Energy cho biết.
Phần lớn bể chứa dầu trên thế giới đã đầy. Ảnh: Reuters. |
Ước tính, thế giới có khả năng trữ 6,8 tỷ thùng dầu. Và theo các chuyên gia năng lượng, hiện 60% không gian đó đã được lấp đầy. Tình trạng thừa dầu được thể hiện rõ ràng tại Cushing, Oklahoma (Mỹ). Đây là trung tâm trữ dầu quan trọng, nơi dầu mỏ của các hợp đồng tương lai trên thị trường Mỹ được chuyển tới.
Với khả năng trữ 80 triệu thùng dầu, Cushing hiện chỉ còn chỗ cho 21 triệu thùng, tức ít hơn sản lượng dầu thô trong 2 ngày của Mỹ, theo công ty Rystad Energy. Hồi tháng 2, gần 50% diện tích kho ở Cushing còn trống.
Giờ các chuyên gia dự báo Cushing sẽ không còn chỗ chứa dầu vào tháng 5. Tại Caribbean và Nam Phi, các bể chứa gần như đã được lấp đầy. Còn Angola, Brazil và Nigeria có thể sẽ không còn không gian trữ dầu chỉ trong vài ngày tới.
Giảm khai thác là không đủ
Ngày 20/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Nhà Trắng sẽ đưa 75 triệu thùng dầu vào kho dự trữ chiến lược. Kho này có khoảng 635 triệu thùng dầu và đủ chỗ chứa thêm 75 triệu thùng nữa. Tuy nhiên, kho của Mỹ chỉ có thể tiếp nhận khoảng 500.000 thùng mỗi ngày.
Giới chuyên gia khẳng định rất khó để giải quyết nhanh các vấn đề của ngành dầu mỏ. Cơ sở hạ tầng của ngành rất phức tạp và không dễ để ngừng khai thác. Ngoài ra, các nước như Saudi Arabia và Nga - với nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ - rất ngại cắt giảm sản lượng khai thác.
Việc đóng cửa các giếng dầu và mở chúng trở lại khi nhu cầu tăng lên cần đến nguồn nhân lực và thiết bị đắt đỏ. Ngoài ra, một số công ty vẫn tiếp tục khai thác dầu, kể cả khi bị lỗ, để trả lãi vay ngân hàng và tồn tại.
Cú sụp đổ hôm 20/4 là một diễn biến bất thường. Thông thường, chênh lệch giá giữa dầu giao tháng tới và tháng kế tiếp khá nhỏ. Nhưng trong ngày 20/4, dầu giao tháng 5 bị coi là rác, trong khi dầu giao tháng 6 chỉ giảm giá một phần.
Giá dầu Brent - chỉ số giá dầu ngoài nước Mỹ được sử dụng ở hầu hết thị trường trên thế giới, với hợp đồng tháng 5 đã đáo hạn - chỉ giảm khoảng 5% xuống dưới 27 USD/thùng. "Sự chênh lệch cho thấy thị trường đang chịu sức ép quá lớn. Chênh lệch cung cầu là rất rõ ràng", nhà phân tích Antoine Halff của Kayrros cho biết.
Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu trên thị trường Mỹ về mức âm trong phiên giao dịch ngày 20/4. Ảnh: Getty Images. |
Tuần trước, thị trường le lói tín hiệu lạc quan khi OPEC, Nga và các nước đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày. Con số này tương đương 10% tổng sản lượng toàn cầu, mức giảm lớn nhất trong lịch sử. Đó là sự thừa nhận nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đã lao dốc thảm hại.
Tuy nhiên, chừng đó là không đủ. Các chuyên gia năng lượng ước tính tiêu thụ dầu hàng ngày giảm 29 triệu thùng trong tháng 4, gấp 3 lần so với mức cắt giảm của thỏa thuận trên. Và tháng 5 được dự báo sẽ còn chênh lệch lớn hơn nữa.
Các nhà sản xuất dầu của Mỹ cũng giảm sản lượng, nhưng không đủ nhanh. Ở tốc độ hiện tại, sản lượng dầu của Mỹ sẽ giảm xuống dưới 11 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, từ mức 13,3 triệu thùng cuối năm 2019. Nhiều công ty bắt đầu báo lỗ lớn và làn sóng phá sản sẽ xuất hiện trong vài tháng tới.
Việc giảm sản lượng có thể giúp bình ổn thị trường nhưng sẽ mất nhiều tháng mới có tác động. Các hợp đồng dầu giao tháng 5/2021 trên thị trường Mỹ giao dịch ở mức khoảng 35 USD/thùng trong phiên ngày 20/4. Điều này cho thấy giá dầu có thể mất tới cả năm để quay về mức giá của vài tuần trước, mức giá "chỉ đủ để tồn tại ngắc ngoải".