Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá dầu sẽ tiếp tục biến động mạnh

Những bất ổn xoay quanh xung đột Nga - Ukraine sẽ tiếp tục khiến giá dầu biến động dữ dội, làm chao đảo thị trường và đẩy giá xăng lên cao.

Theo CNBC, giá dầu đang tăng cao trở lại và sẽ tiếp tục biến động mạnh khi thế giới đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Điều đó đồng nghĩa với việc giá xăng tăng cao và đè nặng lên túi tiền của người tiêu dùng.

Lạm phát tăng cao cũng đe dọa nền kinh tế thế giới. Các ngành công nghiệp dựa vào xăng dầu, từ những hãng hàng không, các công ty hóa chất cho đến những nhà sản xuất nhựa, đều chịu ảnh hưởng.

Giá dầu đã tăng cao ngay từ trước xung đột Nga - Ukraine. Nguyên nhân là nguồn cung thắt chặt và nhu cầu phục hồi. Giờ, việc 5 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày biến mất khỏi thị trường càng đẩy giá lên cao.

Gia dau bien dong anh 1

Giá dầu thô Brent biến động mạnh vì những bất ổn liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine. Ảnh: CNBC.

Biến động dữ dội

Giá dầu đã phục hồi mạnh hôm 21/3, sau thông tin Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc tiếp bước Mỹ cấm vận dầu Nga. Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng giá có thể sụt giảm mạnh nếu có bất cứ tiến triển nào trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.

Theo ước tính của ông Daniel Pickering - Giám đốc đầu tư tại Pickering Energy Partners, mỗi ngày, khoảng 2-3 triệu thùng dầu Nga không có người mua. Ông cho rằng Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh thủ mua dầu Nga với giá rẻ.

"Tôi chắc chắn rằng theo thời gian, sẽ có thêm nhiều nước làm như vậy", ông dự báo. Do đó, ông Pickering không cho rằng giá dầu trở lại trên ngưỡng 130 USD/thùng. Nhưng ông cũng không loại trừ hoàn toàn khả năng đó.

Đức sẽ tìm cách ngăn việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga

Bà Helima Croft, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa Toàn cầu tại RBC

Còn theo ông Francisco Blanch - Trưởng bộ phận Hàng hóa và Phái sinh của Bank of America, thị trường Mỹ đang bước vào xu hướng tăng giá.

"Tăng trưởng sản xuất hạn chế, trong khi nhu cầu lọc dầu và xuất khẩu tăng mạnh đã dẫn đến tình trạng khan hiếm dầu tại kho trữ dầu ở thành phố Cushing (bang Oklahoma, Mỹ)", ông giải thích.

Đó là kho trữ dầu được giao dịch trong các hợp đồng kỳ hạn tại Mỹ. Tình trạng thiếu hụt có thể khiến thị trường kỳ hạn biến động mạnh.

EU sẽ thảo luận về lệnh cấm dầu Nga. Nhưng các thành viên vẫn chưa thể thống nhất. Tuần này, giới chức EU và Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc gặp nhằm tăng cường phản ứng đối với cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.

"Theo tôi, khả năng châu Âu đưa ra các lệnh trừng phạt hoặc cấm vận đối với dầu Nga đang tăng lên. Áp lực sẽ tăng cao trong tuần này", ông Dan Yergin - Phó chủ tịch IHS Markit - bình luận.

"Nhưng các lệnh trừng phạt sẽ được thực thi một cách cẩn thận, cùng với sự tham vấn kỹ lưỡng với ngành công nghiệp nhằm giảm thiểu gián đoạn", ông nói thêm.

Tuy nhiên, bà Helima Croft - Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa Toàn cầu tại RBC - nghi ngờ khả năng châu Âu đưa ra bất cứ lệnh cấm nào đối với dầu Nga. Bởi châu Âu là thị trường xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga.

"Đức sẽ tìm cách ngăn việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt năng lượng", bà nói thêm. Tuy nhiên, bà Croft cho rằng có thể có thêm những đòn trừng phạt khác giáng vào kinh tế Nga bởi "sự tàn bạo trong chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Putin".

Nguồn cung thắt chặt

Hôm 20/3, phiến quân Houthi ở Yemen đã tấn công các cơ sở kinh tế và dân sự tại miền Nam Saudi Arabia bằng máy bay không người lái, tên lửa hành trình và đạn đạo.

Truyền thông nhà nước đưa tin cơ sở của Saudi Aramco - công ty dầu mỏ quốc doanh của Saudi Arabia - ở thành phố Jazan bị tấn công bởi một máy bay không người lái chở đầy chất nổ.

"Saudi Arabia đang sử dụng cuộc tấn công của phiến quân Houthi như một cái cớ để miễn trách nhiệm tăng sản lượng dầu nhằm hạ nhiệt thị trường", ông John Kilduff tại Again Capital bình luận.

Saudi Arabia là thành viên hàng đầu của OPEC+, bao gồm OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) và Nga.

Quay trở lại thời điểm đầu năm 2020, giá dầu lao dốc trầm trọng do những hạn chế liên quan đến dịch Covid-19. OPEC+ đã cắt giảm sản lượng để thúc đẩy giá. Ngay cả khi nhu cầu xăng dầu bật tăng mạnh mẽ, OPEC+ vẫn duy trì sản lượng ở mức thấp và giữ kế hoạch tăng từ từ.

Nga cũng là một trong các thành viên của OPEC+. Do đó, khả năng cao là tổ chức này sẽ không vội đưa ra động thái giải cứu.

Gia dau bien dong anh 2

Nga cũng là một trong các thành viên của OPEC+. Ảnh: Reuters.

Trong báo cáo mới nhất của OPEC+, một số nhà sản xuất vẫn đang thiếu hạn ngạch nguồn cung như thỏa thuận. Theo nguồn tin của Reuters, trong tháng 2 vừa qua, OPEC+ đã không đạt mục tiêu sản xuất hơn 1 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận để tăng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày.

Hai quốc gia trong khối OPEC có khả năng tăng sản lượng ngay lập tức là Saudi Arabia và UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) cho đến nay đã từ chối tăng sản lượng nhanh hơn để giúp giảm giá dầu.

Giá dầu tăng cao giúp các tập đoàn dầu khí lãi lớn. Hôm 20/3, Saudi Aramco vừa công bố lợi nhuận ròng tăng gấp đôi sau một năm lên 110 tỷ USD.

Phương Tây cũng đang tìm kiếm những nguồn cung khác. Nguồn cung dầu từ các nước Vịnh Ba Tư có thể bù đắp phần nào lỗ hổng nguồn cung dầu Nga. Những quốc gia này có khả năng cung cấp cho thị trường 2 triệu thùng dầu/ngày.

Cùng với đó là việc xả kho dầu dự trữ chiến lược, vốn được dùng để đối phó với tình trạng gián đoạn. Nếu Mỹ đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran, thị trường cũng sẽ có thêm 1 triệu thùng dầu/ngày. Nhưng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran đã sa lầy trong những tuần gần đây.

Các nhà sản xuất Mỹ cũng sẽ tăng sản lượng dầu. Nhưng mức bổ sung chỉ khoảng 900.000-1 triệu thùng/ngày.

Cuộc chiến ở Ukraine xóa mọi thành tựu kinh tế của Tổng thống Putin

Theo Phó chủ tịch S&P Global, ông Putin đã tính toán sai khi cho rằng việc phụ thuộc năng lượng Nga sẽ ngăn các chính phủ châu Âu đưa ra những lệnh trừng phạt mạnh tay.

Giá dầu tăng vọt trở lại vì khó thay thế nguồn cung dầu Nga

Giá dầu tăng cao sau khi các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine không có tiến triển. Cùng với đó là những lời kêu gọi cắt giảm nhu cầu dầu nhằm hạ nhiệt thị trường.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm