Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 20/3, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu vừa rớt mạnh xuống hơn 70 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021, rồi bật tăng phần nào lên 71,6 USD/thùng.
Giá dầu WTI chuẩn Mỹ cũng giảm mạnh còn hơn 64 USD/thùng, xuống mức thấp chưa từng thấy trong vòng 16 tháng qua.
Thị trường dầu rớt mạnh
Khủng hoảng ngành ngân hàng và lo ngại suy thoái đã bao trùm lên thị trường năng lượng. Các thị trường rúng động sau thông tin ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ - UBS - đồng ý mua lại nhà băng 167 tuổi - Credit Suisse - với giá 3,23 tỷ USD.
Thương vụ này được chính phủ Thụy Sĩ và cơ quan quản lý ngân hàng làm trung gian, nhằm gấp rút xử lý cuộc khủng hoảng của ngân hàng lớn thứ 2 quốc gia này.
Khoảng 17 tỷ USD trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) của Credit Suisse đã về 0 sau thỏa thuận. Điều này kích hoạt làn sóng bán tháo loại trái phiếu tương tự tại châu Á. Cổ phiếu HSBC và Standard Chartered cũng lao dốc vì lo ngại rủi ro lây lan.
Ngay cả những người nghiêng về kịch bản tăng trưởng của thị trường dầu cũng trở nên kém lạc quan hơn. Goldman Sachs Group vừa hạ dự báo giá dầu do triển vọng u ám của lĩnh vực ngân hàng và nguy cơ suy thoái kinh tế.
Các nhà phân tích dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt 94 USD/thùng trong vòng 12 tháng tới và 97 USD/thùng vào nửa cuối năm sau, hạ từ dự báo 100 USD/thùng trước đó.
Giá dầu Brent rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021. Ảnh: Trading Economics. |
"Giá dầu lao dốc bất chấp sự bùng nổ về nhu cầu tại Trung Quốc do những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng, nguy cơ suy thoái kinh tế và dòng tiền rời khỏi thị trường", nhóm chuyên gia nhận định.
Rắc rối đang bủa vây các thị trường rủi ro, và dòng tiền đổ về những nơi trú ẩn an toàn. "Rõ ràng các nhà đầu tư vẫn đang ở trong trạng thái phòng thủ", ông Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại London (Anh), bình luận với Zing.
Trước đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng của Mỹ cũng lao dốc không phanh vì một loạt rắc rối của các nhà băng khu vực.
Ngay sau khi Silvergate Capital - một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp tiền mã hóa - thông báo dừng hoạt động, sáng 10/3, Silicon Valley Bank đã bị các cơ quan quản lý Mỹ đóng cửa.
Niềm tin của nhà đầu tư bị thiêu rụi sau sự sụp đổ đột ngột và kinh hoàng. Đây là vụ phá sản lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Giữa bê bối của SVB, thêm một ngân hàng nữa bị đóng cửa - Signature Bank - sau khi các khách hàng ồ ạt rút 20% tiền gửi. Giới chức Mỹ cũng phải thuyết phục 12 ngân hàng lớn gửi 30 tỷ USD vào First Republic Bank, một ngân hàng khu vực khác.
Cuộc họp tuần này của Fed
Giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào cuộc họp chính sách trong tuần này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đáng nói, bất chấp những rủi ro của ngành ngân hàng, ngân hàng trung ương Mỹ vẫn có thể tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát, tương tự động thái của giới chức châu Âu.
Trong cuộc họp tháng 3, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, bất chấp những bất ổn mới đây trong lĩnh vực ngân hàng.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng tình trạng hỗn loạn trên thị trường trong thời gian qua không giống với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trong khi đó, các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy lạm phát tại Mỹ vẫn còn rất nóng. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,2% trong tháng 2 và 6% so với một năm trước đó.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.