Lo ngại suy thoái đã đè nặng lên giá dầu thô thế giới. Theo dữ liệu của Trading Economics, trong vòng 24 giờ qua, giá dầu Brent (chuẩn quốc tế) đã trượt dốc từ hơn 81 USD/thùng xuống 78,197 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất của loại hàng hóa này kể từ ngày 31/3.
Giá của mỗi thùng dầu WTI chuẩn Mỹ cũng giảm hơn 3 USD, từ 77,9 USD xuống 74,5 USD, đánh dấu mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3.
Giá dầu lao dốc trong vòng một ngày qua. Ảnh: Trading Economics. |
Đà tăng bị chặn đứng
Hồi đầu tháng 4, giá dầu tăng vọt sau khi một số quốc gia thành viên OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) đột ngột cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu. Thời điểm đó, nhiều người tin rằng giá dầu Brent sẽ nhanh chóng cán mốc 100 USD/thùng. Nhưng đến nay, toàn bộ mức tăng đã bị xóa sạch.
"Đà tăng trưởng của thị trường dầu nhờ vào tuyên bố cắt giảm từ phía OPEC+ đã mất đi nhiệt lượng. Thêm vào đó, xuất khẩu dầu của Nga không cho thấy bất cứ sự sụt giảm rõ ràng nào. Điều này khiến yếu tố cung không còn hỗ trợ giá", ông Song Yang - chuyên gia phân tích tại China Galaxy Futures - nhận định.
Bên cạnh đó, thị trường dầu cũng đang bị đè nặng bởi những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế. Các thị trường tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và những ngân hàng trung ương khác sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành để kìm hãm lạm phát.
Toàn bộ mức tăng của giá dầu sau khi OPEC+ tuyên bố giảm sản lượng đã bị xóa sạch. Ảnh: Trading Economics. |
Trên thực tế, nhu cầu nhiên liệu vẫn đang được cải thiện. Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - đã mở cửa trở lại sau nhiều năm theo đuổi chiến lược Zero Covid-19. Nước này vừa ghi nhận quý tăng trưởng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Theo Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 6,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 21/4, vượt xa dự báo của giới quan sát. Trong khi đó, dự trữ xăng cũng giảm 1,9 triệu thùng. Điều này cho thấy nhu cầu nhiên liệu của nền kinh tế hàng đầu thế giới đang phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trên thị trường dầu thô, những lo ngại về tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn đã lấn át sự phục hồi nhu cầu ngắn hạn.
Giá dầu khó đạt mốc 100 USD/thùng
"Giá dầu rơi tự do trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô đầy rẫy thách thức, sự hoảng loạn lan rộng trong hệ thống ngân hàng và những lo ngại về việc Fed thắt chặt chính sách quá mức", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nhận định với Zing.
Ông Moya cũng chỉ ra các dấu hiệu cho thấy đà phục hồi của Trung Quốc không mạnh mẽ như kỳ vọng. Trong quý I, lợi nhuận của những công ty thuộc ngành công nghiệp nước này đã giảm với tốc độ chậm hơn, nhưng vẫn ở mức 2 chữ số.
"Do đó, kịch bản giá dầu cán mốc 100 USD/thùng sẽ không xảy ra", ông Moya dự báo.
Còn ở Mỹ, niềm tin của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng trong tháng 4 do triển vọng kinh tế ảm đạm. Điều này có khả năng kéo tụt chi tiêu tiêu dùng và đẩy nền kinh tế vào suy thoái ngay trong năm nay.
"Các dữ liệu cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đang giảm mạnh hơn dự kiến. Cùng với những trở ngại khác, con số bất ngờ này khiến triển vọng kinh tế trở nên bi quan hơn", chuyên gia phân tích thị trường Yeap Jun Rong tại IG nhận định.
Những rắc rối trong ngành ngân hàng Mỹ dường như vẫn chưa dừng lại. Hôm đầu tuần, First Republic Bank cho biết các khách hàng đã rút 100 tỷ USD tiền gửi khỏi nhà băng này. Điều này làm dấy lên lo ngại về một khủng hoảng ngân hàng đang chực chờ ập xuống nền kinh tế Mỹ.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.