Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá dầu quay đầu giảm

Giá dầu tăng mạnh nhờ thông tin Saudi Arabia cắt giảm sản lượng, nhưng toàn bộ mức tăng đã bị xóa sạch chỉ sau một ngày.

Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 6/6 (giờ Việt Nam), chỉ trong 24 giờ qua, giá dầu Brent đã giảm từ hơn 78 USD/thùng xuống 74,9 USD/thùng. Như vậy, toàn bộ mức tăng trong phiên đầu tuần đã bốc hơi.

Ngày 5/6, giá dầu chuẩn toàn cầu đã tăng mạnh sau khi Saudi Arabia cam kết cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7. Tuyên bố này được đưa ra trong cuộc họp của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô và đồng minh) vào cuối tuần qua.

gia dau giam anh 1

Toàn bộ mức tăng ngày 5/5 của giá dầu Brent đã bị bay hơi. Ảnh: Trading Economics.

Vì sao giá dầu nhanh chóng đảo chiều

Như vậy, sản lượng dầu thô của nước này sẽ bị cắt giảm còn 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong nhiều năm. Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia - nhấn mạnh rằng ông "sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để mang lại sự ổn định cho thị trường".

Nhưng giá dầu vẫn lao dốc do các nhà đầu tư tin rằng quyết định cắt giảm của Saudi Arabia sẽ không tác động đáng kể tới nguồn cung dầu toàn cầu. Bởi sản lượng của những quốc gia thành viên khác, bao gồm Nga, Nigeria và Angola, vẫn ở mức cao.

Hơn nữa, Nga không cam kết cắt giảm thêm sản lượng. Còn UAE được phép nâng mục tiêu sản lượng trong năm tới.

Trước đó, một số quốc gia thành viên của OPEC+ đã tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô tổng cộng 1,6 triệu thùng/ngày. Động thái này đẩy giá dầu tăng vọt. Nhưng đà tăng nhanh chóng bị đảo ngược.

OPEC+ cũng quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày hồi tháng 10 năm ngoái. Những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu mỏ toàn cầu muốn giữ giá ở mức cao dù cầu yếu đi.

Nhưng thị trường dầu vẫn đang bị đè nặng vì triển vọng tăng trưởng nhu cầu ảm đạm. Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - không mạnh mẽ như kỳ vọng.

Sức ép từ phía cầu

Trong tháng 5, chỉ số quản lý thu mua chính thức (PMI) của khu vực sản xuất tại Trung Quốc đã giảm từ 49,2 điểm xuống 48,8 điểm. Đây là chuỗi giảm kéo dài 3 tháng theo sau đợt tăng ngắn trong 2 tháng đầu năm.

Việc Trung Quốc không phục hồi mạnh mẽ như dự kiến là tin xấu với giá dầu. Nhu cầu đối với nhiên liệu sẽ bị đè nặng nếu các hoạt động kinh tế như sản xuất, vận tải và di chuyển yếu đi.

Còn Mỹ - nền kinh tế hàng đầu thế giới - đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất điều hành tổng cộng 10 lần kể từ tháng 3 năm ngoái nhằm kìm hãm lạm phát.

Để hạ nhiệt lạm phát, Fed buộc phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng việc làm.

Thêm vào đó, theo các nhà phân tích tại Deutsche Bank (Đức), các điều kiện tín dụng bị thắt chặt có thể kích hoạt làn sóng vỡ nợ tại Mỹ và dẫn tới một cuộc suy thoái.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Thụy Sĩ UBS đã cắt giảm dự báo đối với giá dầu Brent 10 USD/thùng xuống còn 95 USD/thùng vào cuối năm nay. Nguyên nhân là nguồn cung dồi dào hơn dự kiến và những lo ngại về một cuộc suy thoái.

Dù vậy, IEA (Cơ quan Năng lượng Quốc tế) vẫn liên tục đưa ra những cảnh báo về viễn cảnh thị trường dầu mỏ bị thắt chặt trong năm nay.

IEA cho rằng "những lo ngại kéo dài về sự chững lại của ngành công nghiệp và lãi suất tăng cao khiến viễn cảnh suy thoái đang đến gần hơn". Kéo theo đó là tâm lý bi quan đối với tăng trưởng trong nhu cầu dầu thô.

Cơ quan này tin rằng đà giảm trên thị trường dầu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đã lung lay. Họ thậm chí phớt lờ thực tế là cầu chuẩn bị vượt quá cung.

"Sự bi quan trên thị trường hiện tại hoàn toàn trái ngược với tình trạng khan hiếm trên thị trường, mà chúng tôi tin rằng sẽ xảy ra vào cuối năm nay, khi nhu cầu dự kiến vượt cung 2 triệu thùng/ngày", IEA cảnh báo.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Vũ Hán chật vật đòi nợ

Tình hình tài chính của các chính quyền tỉnh, thành phố tại Trung Quốc đã xấu đi đáng kể sau đại dịch. Riêng Vũ Hán mắc kẹt trong khoản nợ khó đòi lên tới 14 triệu USD.

Fed sẽ làm gì tiếp theo

Một quan chức Fed vừa tiết lộ về khả năng "bỏ quãng" tăng lãi suất, tức giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6 rồi đánh giá dữ liệu để tiếp tục điều chỉnh sau đó.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm