Cụ thể, giá dầu WTI giảm 4,33 USD, tương đương 4,08%, xuống 101,6 USD/thùng. Dầu Brent giảm 4,67 USD, tương đương 4,15%, xuống 107,8 USD/thùng. So với tuần trước, giá hai loại dầu đã giảm trên dưới 7%.
Như vậy, giá dầu đã chứng kiến hai phiên sụt giảm liên tiếp. Đây đồng thời là lần thứ hai giá dầu rơi xuống ngưỡng này kể từ khi vượt 130 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Những diễn biến của cuộc chiến tại Ukraine tiếp tục đóng vai trò điều chỉnh giá dầu thế giới. Hôm 29/3, phái đoàn hai nước bước vào cuộc đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Khác với những cuộc gặp trước vốn không có nhiều tiến triển, giới quan sát thế giới bày tỏ sự kỳ vọng vào cuộc đàm phán lần này. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng lên tiếng cho biết đôi bên đã bắt đầu ghi nhận những tiến bộ đáng kể.
Cuộc đàm phán có sự xuất hiện của tỷ phú Nga Roman Abramovich. Ảnh: RIA. |
Đáng chú ý, Thứ trưởng Quốc phòng Nga thông báo quyết định giảm các hoạt động quân sự tập trung ở Kyiv và Chernihiv. Theo Reuters, động thái này được đưa ra sau khi phía Ukraine đề xuất áp dụng tình trạng trung lập để đổi lấy an ninh.
Những tín hiệu tích cực nhanh chóng giúp giá vàng hạ nhiệt. Vài tiếng trước khi cuộc đàm phán bắt đầu, giá vàng có thời điểm giảm xuống dưới 1.900 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3.
Hiện giá kim loại đang được giao dịch ở ngưỡng 1.910 USD/ounce, giảm 11,13 USD, tương đương 0,58%, so với ngày hôm qua.
Ngoài hàng hóa, thị trường chứng khoán thế giới cũng có phiên giao dịch khởi sắc trong hôm nay.
Cụ thể, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,1% trong khi Topix tăng 0,93%; Kospi của Hàn Quốc tăng 0,42%; S&P/AXS 200 của Australia tăng 0,7%.
Tại Trung Quốc, ngoài Hang Seng của Hong Kong, các chỉ số khác trong thị trường đại lục như SZSE của Thâm Quyến, SSE của Thượng Hải đều giảm nhẹ.
Dù hưởng lợi từ tin tức tích cực của cuộc đàm phán, việc thành phố Thượng Hải bị phong tỏa vì Covid-19 ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến tâm lý giới đầu tư.
Trong phiên ngày 29/3, thị trường châu Âu ghi nhận hiệu suất tăng trưởng tốt ở hàng loạt chỉ số, ví dụ FTSE 100 của Anh tăng 0,8%; DAX của Đức tăng 2,57%; CAC 40 của Pháp tăng 2,83%. Chỉ số Stoxx 600 toàn thị trường châu Âu tăng 1,63%.
Chứng khoán Mỹ cũng có diễn biến tương tự. Chỉ số Dow Jones tăng 0,61%; Nasdaq 100 tăng 1,5% còn S&P 500 tăng 0,88%.
Ngoài thông tin từ chiến sự ở Ukraine, các nhà đầu tư đang chờ đợi một loạt báo cáo kinh tế quan trọng, đồng thời theo dõi sát sao các đợt tăng lãi suất kế tiếp theo kế hoạch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.