OPEC và các đồng minh dự kiến đưa ra lời kêu gọi lớn về sản lượng dầu trong tuần này, một ngày trước khi các biện pháp trừng phạt mở rộng vào ngành năng lượng Nga có hiệu lực, theo Wall Street Journal.
Tác động tiềm tàng của những động thái này đang khiến thị trường dầu mỏ bị phủ bóng bởi sự không chắc chắn, vào thời điểm dịch bùng phát đang khiến nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm.
Giá dầu thô Brent trong hợp đồng tương lai đã giảm 12% trong suốt tháng 11, xuống còn 83,63 USD/thùng. Giá dầu tiêu chuẩn cũng từng giảm sâu hơn 5 USD/thùng trong một ngày vào tháng này, sau khi Wall Street Journal đưa tin OPEC+ có thể thảo luận về việc tăng sản lượng trong cuộc họp tới.
Tuy nhiên, thông tin trên đã được Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia là Hoàng tử Abdulaziz bin Salman bác bỏ.
Ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu mỏ
Michael Haigh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Société Généralem cho biết những động thái đó có thể ảnh hưởng lớn tới thị trường dầu mỏ, thậm chí tác động đến xu hướng giá cả.
Liên minh châu Âu dự kiến cấm nhập khẩu hầu hết dầu thô từ Nga vào ngày 5/12. Đồng thời, Mỹ, EU và một số đồng minh của họ sẽ cấm vận chuyển, buôn bán, bảo hiểm và tài trợ cho dầu thô của Nga ở bất kỳ đâu trên thế giới trừ khi giá của nó bằng hoặc thấp hơn mức giới hạn.
Từ ngày 5/12, các biện pháp trừng phạt tương tự sẽ đánh vào các sản phẩm tinh chế từ dầu Nga. Các nhà giao dịch nhận định động thái này sẽ gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với ngành dầu mỏ của Moscow, cũng như tạo ra thách thức lớn hơn đối với châu Âu.
Theo ông Haigh, Nga có thể gặp khó khăn trong tìm người mua thay thế đối với lượng dầu mà EU cấm, khiến sản lượng hàng ngày có thể giảm 1,5 triệu thùng vào năm 2023. Điều đó có thể đẩy giá dầu toàn cầu tăng vọt vào năm tới, nếu nhu cầu của Trung Quốc tăng trở lại, ông nói thêm.
Trong khi đó, Nga khẳng định từ chối bán cho những quốc gia áp trần giá dầu nước này.
Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24/11 khẳng định nỗ lực áp đặt trần giá dầu của Nga có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, Tass đưa tin.
Điện Kremlin cũng từng cảnh báo Moscow sẽ không bán dầu cho những nước nào áp mức giá trần đối với mặt hàng này của Nga và sẽ xuất khẩu năng lượng sang các thị trường khác.
Mỹ và các đồng minh đã chật vật để áp đặt giới hạn giá dầu Nga. Trong khi Ba Lan muốn giá trần ở mức thấp để trừng phạt nền kinh tế Moscow, Hy Lạp, Malta và các thành viên EU sở hữu đội tàu vận tải lớn muốn mức giá đó ở khoảng 70 USD/thùng.
Reuters đưa tin chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/12 nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Mức giá này có thể điều chỉnh để bảo đảm luôn thấp hơn giá thị trường 5%.
Giới phân tích cho biết mức giá 65-70 USD/thùng được thảo luận ban đầu tại EU là không khả thi vì nó nằm trên mức mà loại dầu thô Urals chủ lực của Nga đang được giao dịch.
Mikhail Krutikhin, thuộc công ty tư vấn RusEnergy, cho biết: “Nếu giá trần là 65 USD/thùng, nó sẽ không ảnh hưởng gì đến ngân sách của Nga”.
Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan dẫn đầu các nỗ lực xây dựng giá trần với dầu Nga, cho biết phương Tây có thể hạ thấp mức này theo thời gian. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho biết họ rất vui khi Moscow bán cho các quốc gia không bị trừng phạt ở trên mức giá trần.
Họ lập luận rằng các nhà máy lọc dầu ở những quốc gia đó sẽ có được quyền thương lượng đối với Nga vì lệnh trừng phạt của phương Tây.
Thị trường thận trọng
Điều đó phản ánh mục tiêu chính của liên minh áp giới hạn giá dầu Nga: Đó là kiềm chế giá năng lượng bằng cách đảm bảo càng nhiều dầu của Nga càng tốt trên thị trường toàn cầu.
EU thậm chí còn điều chỉnh kế hoạch đưa vào danh sách đen các tàu vi phạm giới hạn giá dầu để giảm bớt ảnh hưởng đến việc xuất khẩu dầu của Nga.
Theo đó, các tàu này sẽ bị cấm tham gia vào các dịch vụ của EU, bao gồm cả bảo hiểm, trong 90 ngày. Các quan chức Mỹ và Anh lo ngại kế hoạch trước đó của khối về lệnh cấm vĩnh viễn sẽ khiến xuất khẩu của Nga giảm nhiều hơn họ dự định.
Mặc dù vậy, sự không chắc chắn về mức giới hạn và cách Nga sẽ phản ứng đã khiến các nhà giao dịch lo lắng và góp phần vào sự biến động gần đây. Nó cũng đã bắt đầu cản trở khả năng tìm kiếm người mua của Nga.
Châu Âu đã thu mua từ biển Bắc, Trung Đông, Tây Phi và Mỹ để bù đắp cho dầu thô của Nga. Sự bùng phát của Covid-19 ở Trung Quốc khiến nguồn cung dầu thô của EU tăng lên.
Neil Crosby, nhà phân tích tại OilX, cho biết khối này còn 800.000 thùng để thay thế cho dầu Nga khi lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 5/12.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn có thể xảy ra tại các nhà máy lọc dầu phụ thuộc vào dầu thô của Nga, đặc biệt là nhà máy lọc dầu ISAB ở Sicily, thuộc sở hữu của Lukoil PJSC - một nhà sản xuất Nga.
Ông Crosby cho biết thặng dư dầu thô toàn cầu có thể cạn kiệt nhanh chóng nếu OPEC+ cắt giảm sản lượng - một quyết định được đưa ra vào tháng 10.
Cam kết cắt giảm sản lượng của liên minh này đã bị nghi ngờ vào tuần trước khi Wall Street Journal đưa tin về các cuộc thảo luận không chính thức trong OPEC+, bao gồm cả Nga, về việc đảo ngược một phần cắt giảm tại cuộc họp vào ngày 4/12.
Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo, cho biết thị trường đang hành động thận trọng để tránh gặp phải vấn đề trong tình hình khó khăn vào lúc này. “Đó là lý do thị trường phản ứng mạnh mẽ như vậy”.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...