Cho tiền, mua hàng vì thương
Tại Ngã Tư Sở (Hà Nội) mỗi khi các phương tiện giao thông dừng lại chờ đèn đỏ thì một cháu nhỏ chừng 10 tuổi bê một khay hàng từ lề đường ra mời khách. Hàng bán của bé là tăm, bông, bật lửa, cắt móng tay, kẹo cao su...
Chúng tôi quan sát, có nhiều người từ chối mua nhưng cháu bé cứ gí hàng vào tay hoặc đứng sát xe không chịu rời đi. Một số người tặc lưỡi mua một món đồ, có người đưa tiền nhưng không lấy hàng.
“Mua cho cháu nó để khỏi quấy rầy, chứ mình có nhu cầu dùng đâu”, anh Tuấn, một người đi đường vừa mua gói bông tăm, nói.
Cơ quan chức năng đang làm thủ tục xác định đối tượng lang thang cơ nhỡ ở Hà Nội. |
Tương tự, tại cổng Bệnh viện Nhi Trung ương có 2 cháu nhỏ chừng 7-8 tuổi thường xuyên bưng khay hàng mời khách. Hễ thấy khách nào ngồi quán nước, hai bé lại chạy lại mời mọc hoặc xin tiền. Nhiều lúc thấy chướng mắt, bà T bán nước lại xua đi. “Người ta lên viện này đã khổ lắm rồi, còn cứ lại đây xin tiền”, bà T nói.
“Các cô chú đừng cho tiền vì thương hại, bởi tiền xin được hay bán hàng được, các cháu có được hưởng đâu. Sáng nào cũng có một người chở hai đứa xuống bỏ tại cổng bệnh viện để đi bán hàng, xin tiền, đến tối lại đón về. Tôi ở đây cũng không biết hai cháu nhỏ ở khu nào nữa vì chúng thường xuyên thay đổi chỗ ở”, bà T. nói.
Thực tế, việc lợi dụng trẻ nhỏ để kiếm tiền được nhiều đối tượng lợi dụng. Tại nhiều khu vực có các quán ăn, nhà hàng, dù trời mưa phùn gió bấc hay nóng như đổ lửa, một số phụ nữ vẫn mang theo con nhỏ đi bán hàng rong bất chấp sức khỏe của con, bởi nhờ có đứa bé đi cùng, nhiều người thương mà mua hàng, cho bé tiền.
Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng các nhóm tự xưng hát thiện nguyện, xin tiền tràn ra các ngã tư, ngã năm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Mua hàng, cho tiền là hại trẻ
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội, cho biết, có hai nhóm đối tượng lang thang trên đường phố. Đó là những người lang thang, cơ nhỡ không có nhà cửa và nhóm người lang thang bán hàng, lợi dụng lòng tốt để xin tiền.
Theo ông Dân, thời gian qua Sở đã chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội phối hợp với UBND các cấp để thường xuyên rà soát địa bàn.
“Nếu phát hiện các đối tượng đúng là người cơ nhỡ, không nơi nương tựa, chúng tôi sẽ đưa về Trung tâm Công tác xã hội để nuôi dưỡng, chăm sóc và hưởng các chế độ theo quy định của thành phố. Trường hợp xác minh là đối tượng bị lợi dụng, chúng tôi sẽ thông tin về địa phương để đón các cháu về”, ông Dân nói.
Ông Dân cũng thừa nhận, gần đây lợi dụng rét đậm, rét hại, một số đối tượng giả danh làm người gặp khó khăn nằm ở vỉa hè, nơi công cộng để các nhà hảo tâm mang tiền, hàng hóa đến từ thiện. Những người này sau khi nhận hàng hóa từ thiện lại mang đi bán.
Theo thống kê, có đến 90% người lang thang do các đối tượng bảo kê thuê đi xin ăn, xin tiền, còn người lang thang xin ăn, xin tiền thực sự chỉ khoảng 10%. “Lực lượng chức năng dù có tuần tra, kiểm soát nhưng cũng không thể phát hiện được hết các đối tượng lợi dụng lòng tốt của người dân để xin tiền”, ông Dân nói.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai, giảng viên bộ môn Xã hội học (Đại học Công đoàn), cho rằng có nhiều đối tượng lợi dụng trẻ nhỏ để trục lợi. Lòng trắc ẩn của nhiều người bị lợi dụng, dẫn đến việc các em bị trục lợi triền miên.
Bà Mai cho rằng, khi phát hiện người nào mang trẻ đi bán hàng rong, người dân cần báo chính quyền địa phương để họ xử lý. Trường hợp muốn ủng hộ thì người dân có thể đến những nơi tiếp nhận, chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ cơ nhỡ.
“Nếu phát hiện các đối tượng đúng là người cơ nhỡ, không nơi nương tựa, chúng tôi sẽ đưa về Trung tâm Công tác xã hội để nuôi dưỡng, chăm sóc và hưởng các chế độ theo quy định của thành phố. Trường hợp xác minh là đối tượng bị lợi dụng, chúng tôi sẽ thông tin về địa phương để đón các cháu về”.
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội