Sau thời gian tăng giá kỷ lục và đạt đỉnh 90.000 đồng/kg, giá cau tươi tại Quảng Nam và Quảng Ngãi những ngày qua đã tụt dốc không phanh.
Trái cau tại 2 địa phương này thường được các thương lái tới tận vườn mua nhỏ lẻ rồi bán lại cho các đại lý hoặc lò sấy để xuất sang Trung Quốc.
Anh Nguyễn Văn Nghĩa (trú xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho biết trước đó, giá cau tăng cao liên tục trong suốt 6 tháng, có thời điểm lập đỉnh hơn 100.000 đồng/kg bán tại lò, do Trung Quốc tiêu thụ mạnh.
Giá giảm liên tục khiến người buôn cau cũng dè chừng. |
Tuy nhiên, cách đây hai tuần, giá cau đột ngột lao dốc. Các chủ vựa thu mua với giá chập chờn, thay đổi theo ngày, có nơi còn tạm đóng cửa khiến người buôn nhỏ lẻ như anh cũng không dám đến vườn dân hái cau vì sợ lỗ vốn.
“Hiện thương lái Trung Quốc kén chọn hơn trước nên đa số các lò cũng không thu mua cau tươi ồ ạt, chỉ mua cau đẹp về sấy để trữ. Có thể phía Trung Quốc đã nhập gần đủ nguyên liệu hoặc họ mua cầm chừng vì muốn giá cau hạ nhiệt. Mấy hôm nay, giá đã tạm bình ổn nên chúng tôi bắt đầu đi hái cau trở lại”, anh Nghĩa nói.
Theo ghi nhận ngày 29/10, tại Quảng Nam và Quảng Ngãi, giá cau tươi mua tại vườn dao động 25.000-30.000 đồng/kg, giảm 1/3 so với thời điểm nửa đầu tháng 10.
Thương lái thu hoạch cau tại huyện Tiên Phước. |
Bà Nguyễn Thị Lan (trú tại thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) trồng 500 cây cau, trong đó có hơn 200 cây đang cho thu hoạch. Trung bình mỗi cây cho 4-5 lứa quả, mỗi lứa một buồng nặng 3-5kg.
Từ tháng 6 đến nay, bà Lan bán cau với giá 40.000-90.000 đồng/kg. Thế nhưng, nửa tháng qua, giá cau tụt dốc quá nhanh khiến bà cũng có phần bất ngờ.
“Đầu tháng 10, một tạ cau tươi bằng cả chỉ vàng. Cách đây một tuần, tôi còn bán với giá 40.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn 30.000 đồng. Cũng may đã cuối mùa và tôi cũng đã bán 3-4 lứa quả khi giá cao, không thì tiếc lắm”, bà Lan nói.
Dù giá cau tươi lao dốc, ông Lê Thanh Tú (trú tại xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) vẫn lạc quan, bởi theo ông giá cau tăng rồi giảm là chuyện xảy ra thường xuyên những năm qua.
Ông Tú cho rằng nhiều năm trước, giá cau bấp bênh, thậm chí có thời điểm chỉ 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay, từ đầu vụ giá cau đã lên tới 40.000 đồng/kg và neo trong thời gian khá dài. Nhờ đó, người trồng cau đã trúng đậm, nếu trồng diện tích lớn có thể thu tiền tỷ. Riêng gia đình ông có 500 cây cau đang ra trái và bỏ túi hơn 300 triệu đồng.
“Giờ giá giảm nhưng 25.000 đồng/kg vẫn còn tốt, người trồng cau chúng tôi không ảnh hưởng nhiều. Vì cây cau trồng một lần nhưng thu hoạch lâu dài, lại ít phải chăm sóc nên đem lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều loại cây khác”, ông Tú bộc bạch.
Theo người dân, dù đã giảm mạnh nhưng giá cau hiện tại vẫn ổn. |
Trao đổi với PV, bà Trần Thị Luân, chủ cơ sở chế biến cau sấy xuất khẩu tại xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước, Quảng Nam), cho biết giá cau giảm là do gặp khó khăn trong việc xuất hàng qua Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến nay tình hình dần ổn định và cơ sở của bà vẫn đang thu mua cau bình thường để đáp ứng các đơn hàng.
“Giá cau giảm từ đỉnh 110.000 đồng/kg (loại đã tách quả khỏi buồng, thu mua tại lò sấy - PV) xuống 40.000 đồng vào hai ngày trước và nay tăng nhẹ lại 45.000 đồng/kg. Dù giảm nhưng mức giá này vẫn cao hơn so với cùng kỳ các năm trước và người trồng cau đã có lời”, bà Luân chia sẻ.
Lò sấy của bà Luân vẫn hoạt động bình thường. |
Bà Luân giải thích sở dĩ giá thu mua cau tại vườn chênh lệch so với giá tại lò sấy là do thợ hái cau đã trừ công thu hoạch và chi phí vận chuyển, khấu hao...
Ông Đàm Bàng, Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), thông tin toàn huyện có khoảng 800-900 ha cau. Tuy nhiên, đây không phải là loại cây chủ lực và nhiều năm qua địa phương cũng không khuyến khích người dân trồng cau ồ ạt.
Theo ông Bàng, do đầu ra trái cau không ổn định và phụ thuộc vào thương lái bên Trung Quốc, nếu họ không mua thì dân lại chặt phá. Vì vậy, trong quá trình cơ cấu ngành nông nghiệp huyện cũng không đưa cây cau vào quy hoạch để trồng.