Báo cáo Tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội 6 tháng đầu năm của Savills cho biết trong quý II, 5 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 7 dự án cung cấp khoảng 6.200 căn hộ mới cho thị trường Hà Nội, tăng 28% theo quý nhưng giảm 6% theo năm. Nguồn cung sơ cấp tăng 5% theo quý nhưng giảm 6% theo năm xuống còn 29.200 căn hộ.
Thị trường ghi nhận 5.400 giao dịch, tăng 11% theo quý nhưng giảm 43% theo năm. Nửa đầu năm có 10.300 giao dịch, giảm 47% theo năm, tỷ lệ hấp thụ đạt 30% và giảm 17 điểm % theo năm.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Savills, đánh giá dịch bệnh đã gây ảnh hưởng đến số lượng giao dịch trong nửa đầu năm, tuy nhiên, giá bán trung bình sơ cấp ổn định theo quý và tăng 7% theo năm, đạt 1.460 USD/m2.
Bà Hằng cho rằng yếu tố liên quan đến nguồn cung, cộng với nhu cầu mua nhà lớn, lượng tiền trong dân nhiều đã thúc đẩy giá bất động sản tiếp tục tăng cao.
Nửa cuối năm 2020, sẽ có 22 dự án ra mắt thị trường, trong đó 68% đang trong quá trình xây dựng và 32% đang làm móng. Ảnh: TL. |
Đối với 29.200 căn hộ được chào bán ra thị trường quý II, đại diện Savills cho biết căn hộ hạng B chiếm 74% thị phần, phân bố chủ yếu tại Nam Từ Liêm, Hà Đông và Gia Lâm.
Trong khi đó, phân khúc căn hộ hạng A có giá trung bình khoảng 3.200 USD/m2 không bán được nhiều, phần lớn nằm dọc đường Vành đai 3 và các quận trung tâm TP Hà Nội. Bà Hằng lấy ví dụ trường hợp dự án The Matrix One hay D'. Palais Louis, có mức giá lên đến gần 6.000 USD/m2 nhưng sức hấp thụ yếu.
Báo cáo của Savills cũng chỉ ra nguồn cung đang mở rộng ra các huyện ngoại thành. Năm 2016, huyện Hoài Đức và Thanh Trì chiếm 10% nguồn cung, đến quý II năm nay, 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức và Thanh Trì chiếm 27% nguồn cung. Tổng số giao dịch tại các huyện tương đương 22% tổng số giao dịch trong nửa đầu năm.
Đánh giá về thị trường nửa cuối năm, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Savills cho hay có khoảng 24.200 căn tập trung chủ yếu ở Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai sẽ được tung ra thị trường. Phân khúc căn hộ hạng B vẫn sẽ dẫn đầu thị trường.
Trước đó, tại tọa đàm “Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2020” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức mới đây, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, cho rằng tình hình kinh tế khó khăn hiện nay không cản trở nhu cầu về nhà ở tăng.
Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ sự lo ngại tiền Việt mất giá trong tương lai khiến người tiêu dùng tái phân bổ tiết kiệm vào các tài sản an toàn hơn như bất động sản và vàng.
Đồng thời, những vấn đề về hành chính trên thị trường xây dựng đã ngăn cản sự gia tăng nguồn cung, dẫn tới giá bất động sản tăng
Dự báo nhu cầu đầu tư vào bất động sản trong 6 tháng cuối năm, VEPR cho rằng nhiều khả năng ở mức thấp khi những yếu tố như diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang theo chiều hướng xấu, tăng trưởng kinh tế trong nước thấp, doanh nghiệp thu nhỏ quy mô dẫn đến cắt giảm lương và nhân viên hay những rào cản về mặt pháp lý.