Diện tích nuôi cá tra của tỉnh An Giang hiện nay khoảng 1.500 ha, lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, diện tích ao nuôi của doanh nghiệp chiếm khoảng 70%. 5 tháng đầu năm 2020, diện tích thu hoạch cá tra toàn tỉnh đạt gần 400 ha, sản lượng trên 130.000 tấn. Sản lượng cá thu hoạch chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp và các hộ nuôi cá tra có liên kết tiêu thụ. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang, diện tích ao nuôi và sản lượng cá đạt khá, có tăng nhẹ so cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là trong quý I, II đầu năm 2020. Có thời điểm doanh thu xuất khẩu trung bình hàng tháng giảm gần 30% so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19. |
Tuy nhiên từ quý III, tình hình xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp có tín hiệu khởi sắc. Theo báo cáo của Sở Công Thương An Giang, 9 tháng đầu năm 2020, tỉnh xuất khẩu gần 85.000 tấn cá tra, kim ngạch đạt trên 203 triệu USD, tăng 10-20% so với 2 quý đầu năm 2020. |
Xuất khẩu dần khôi phục, tuy nhiên giá cá tra nguyên liệu vẫn giảm sâu. Hiện nay, cá tra được thương lái mua với giá tầm 18.000 đồng/kg (cá từ 0,8 kg/con trở lên), giảm khoảng 20% so cùng kỳ 2019. Theo tính toán, với giá này người nuôi bị lỗ 4.000-5.000 đồng/kg sau khi trừ các khoản chi phí như con giống, thức ăn và tiền thuê nhân công. |
Ghi nhận tại nhiều ao nuôi cá tra của Tập đoàn Nam Việt (An Giang), việc thu hoạch cá vẫn diễn ra trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chưa thực sự phục hồi. Đây là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất An Giang và ĐBSCL. |
Doanh nghiệp này áp dụng quy trình sản xuất và xuất khẩu khép kín, chủ động xây dựng vùng nuôi cá nguyên liệu, có nhà máy chế chiến cá và xuất khẩu chính ngạch sang nhiều nước trên thế giới. Thị trường xuất khẩu gặp khó, doanh nghiệp này chủ động tiêu thụ cá tra ở thị trường trong nước, trung bình khoảng 200 tấn mỗi tháng. |
Ghi nhận tình trạng xuất khẩu cá tra của một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn An Giang, sản lượng xuất khẩu vẫn giảm 10-20%. Do nhiều đối tác từ chối tiếp nhận đơn hàng, trong khi cá tra đến lứa vẫn phải thu hoạch và chế biến để giảm chi phí duy trì ao nuôi, khiến áp lực đè lên các doanh nghiệp khá nặng nề. |
Theo báo cáo đánh giá của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thị trường xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc dần phục hồi trong thời gian gần đây, nhưng giá không tăng. Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), với tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Brazil... nên xuất khẩu cá tra các tháng cuối năm 2020 của Việt Nam khó có thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm. |
Đại diện Sở NN&PTNT An Giang cho biết, sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất cá tra công nghệ cao, tìm kiếm và kết nối thị trường tiêu thụ. Song song đó, ngành nông nghiệp cũng tính toán điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi cá tra phù hợp với nhu cầu thị trường cả trong và ngoài nước. |