Theo Bloomberg, các quán ăn vỉa hè ở Ấn Độ đã giảm những món ăn chiên rán và chuyển sang các món hấp. Những thợ làm bánh ở Bờ Biển Ngà cũng giảm kích cỡ bánh. Sandwich tại các cửa hàng đồ ăn nhanh ở Mỹ kẹp ít thịt xông khói hơn.
Nền kinh tế toàn cầu vốn chao đảo vì tình trạng thiếu hụt liên quan đến các đợt bùng phát Covid-19, giờ tiếp tục quay cuồng bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Giá của các mặt hàng chính như bánh mì, thịt và dầu ăn tăng vọt trên thế giới. Thị trường hàng hóa toàn cầu đối mặt với cú sốc lớn, làm tổn hại hệ thống lương thực toàn cầu.
Các nhà hàng từ Mỹ đến Ấn Độ buộc phải giảm kích cỡ món ăn hoặc tăng giá. Ảnh: Bloomberg. |
Không dám chi tiêu
Yemen là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Nước này nhập khẩu tới 90% lương thực trong bối cảnh xung đột gay gắt và đồng tiền mất giá. Điều này dẫn tới nguy cơ nạn đói nghiêm trọng.
Ở phần còn lại của thế giới, giới phân tích cảnh báo về hiện tượng "tàn phá nhu cầu", tức người tiêu dùng không dám mua hàng vì quá đắt đỏ.
"Các tủ lạnh trống rỗng, người tiêu dùng phải giảm lượng tiêu thụ", ông Julian Conway McGill - chuyên gia phụ trách khu vực Đông Nam Á tại hãng tư vấn LMC International - nhận định.
Từ các hộ gia đình đến ngành thực phẩm, dịch vụ, dầu thực vật đã trở thành một phần không thể thiếu. Năm qua, các nhà xuất khẩu dầu chật vật đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động và thời tiết xấu. Giờ, cuộc chiến ở Ukraine khiến giao thương bị đình trệ và đẩy giá của 2 loại dầu phổ biến nhất thế giới - dầu cọ và dầu đậu nành - lên mức kỷ lục.
Các chính phủ đang vào cuộc. Họ hạn chế xuất khẩu, kiểm soát giá và ngăn chặn hành vi tích trữ. Nhưng những động thái trên không thể ngăn giá cả tăng cao, buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu.
Giá lương thực và phân bón trên toàn cầu tăng vọt vì những gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Bloomberg. |
Ông Raju Sahoo, 48 tuổi, chủ một quán ăn lề đường ở bang Odisha (miền đông Ấn Độ), đã giảm một nửa lượng dầu cọ sử dụng hàng ngày. Ông bán ít đồ ăn chiên hơn và chuyển sang các món hấp.
"Giờ, tôi chỉ làm 300-400 chiếc bánh bao chiên mỗi ngày. Trước kia, con số lên tới 1.000 chiếc", ông Sahoo chia sẻ.
Tình trạng thiếu hụt dầu ăn đã xuất hiện từ năm ngoái. Tại Malaysia - nước sản xuất dầu cọ thứ 2 thế giới, sản lượng giảm mạnh do tình trạng thiếu hụt lao động triền miên. Hạn hán cũng tàn phá vụ thu hoạch hạt cải dầu ở Canada và đậu nành tại Brazil và Argentina.
Người mua buộc phải phụ thuộc vào nguồn cung dầu hướng dương của Nga và Ukraine, chiếm tổng cộng 75% xuất khẩu toàn cầu. Giờ, xung đột ở Ukraine đã chặn đứng nguồn cung này.
Giá của 4 loại dầu ăn chính - cọ, đậu nành, hạt cải dầu và hướng dương - tăng vọt, đẩy giá của mọi thứ từ kẹo đến chocolate tăng cao.
Ngành công nghiệp thực phẩm chao đảo
Theo chuyên gia Brice Dunlop tại Fitch Solutions, những thay đổi về giá cả có thể dẫn tới bất ổn xã hội, nhất là ở Ấn Độ. "Ấn Độ đã từng có rất nhiều vụ bạo động liên quan đến tình trạng thiếu hụt thực phẩm, trong khi dầu thực vật lại là thành phần chính của rất nhiều món ăn tại đây", ông cảnh báo.
Cuộc chiến cũng đẩy giá phân bón lên mức kỷ lục. Tại Brazil, những nông dân như ông Zilto Donadello đã phải giảm lượng phân bón sử dụng cho các cánh đồng đậu nành. Điều này có thể khiến sản lượng sụt giảm.
Kể từ tháng 1/2021, có vẻ chi phí của chúng tôi đã tăng gần gấp đôi
Ông Joe Fontana, chủ sở hữu chuỗi nhà hàng gà cay Fry the Coop (Mỹ)
Hồi tháng 9/2021, sau khi giá phân bón tăng cao, ông Donadello tạm ngừng mua thêm phân bón dự trữ để chờ giá giảm. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã khiến giá tăng vọt.
Ngay cả khi giá đậu nành tăng lên, chúng cũng không thể bù phần chi phí tăng cao. "Rủi ro rất cao, nhưng tỷ suất lợi nhuận lại quá thấp", ông than vãn.
Rắc rối không chỉ dừng lại ở cây trồng. Ông Joe Fontana sở hữu 5 nhà hàng gà cay Fry the Coop ở thành phố Chicago (bang Illinois, Mỹ) và các vùng ngoại ô lân cận. Kể từ khi đại dịch bùng phát, giá thịt gà đã tăng cao. Giờ, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi hạn hán ở Brazil và chiến tranh tại Ukraine đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên cao.
Ông Fontana không dám dùng các loại dầu thực vật. Thay vào đó, ông chiên gà và khoai tây bằng mỡ bò. Nhưng giá của mỡ động vật cũng tăng cao bởi khi giá xăng dầu leo thang, nhu cầu dùng loại mỡ này để sản xuất dầu diesel tái tạo cũng đi lên.
"Kể từ tháng 1/2021, có vẻ chi phí của chúng tôi đã tăng gần gấp đôi. Một miếng mỡ bò nặng 50 pound (1 pound tương đương 0,45 kg) có giá khoảng 29 USD trong nhiều năm. Giờ, nó lên tới 56 USD", ông chia sẻ.
Ông Fontana đã tăng giá sandwich kẹp thịt gà nhiều lần lên mức 10 USD/chiếc. Nhưng ông sợ rằng sẽ có lúc, giá phải tăng lên 15 USD để cửa hàng có thể duy trì hoạt động.
Bà Christine McCracken - nhà phân tích tại Rabobank - cảnh báo rằng các nhà sản xuất pizza có thể cũng sẽ cắt giảm một nửa nguyên liệu.