Ngày 15/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có báo cáo về tình hình sản xuất khai thác hải sản, đề xuất giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hải sản cho ngư dân.
Trong quý I, tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt 841.000 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khai thác hải sản đạt 806.000 tấn, tăng 2%.
Sản lượng cá nổi nhỏ (cá trích, cá cơm, cá nục ...) tăng khá. Sản lượng cá ngừ đại dương quý I đạt 25.160 tấn, tăng 0,02% so cùng kỳ năm 2019.
Một con cá ngừ đại dương nặng 70 kg được các đầu bếp đến từ Phú Yên trình diễn xẻ thịt tại Cần Thơ. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Về tình hình giá hải sản, Bộ NN&PTNT cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ hải sản khai thác gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giá hải sản giảm mạnh so với thời gian trước khi có dịch.
Các loại cá đông lạnh để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bán cho nhà hàng và bếp ăn tập thể giảm khoảng 30%. Giá cá ngừ trung bình giảm 10-20% do xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài giảm.
Cụ thể tại Khánh Hòa, giá cá ngừ đại dương loại I (≥ 50kg/con) giảm 10% còn 200.000-220.000 đồng/kg; loại ≥ 30kg/con giảm 20% giá còn 80.000-90.000 đồng/kg (so với giá bán trong tháng 2). Giá trị xuất khẩu cá ngừ tính đến 31/3 đạt 146,5 triệu USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ.
“Hiện nhiều công ty giảm lượng thu mua do không đủ công suất kho lạnh để trữ hàng nên giá cá tiếp tục giảm”, Bộ NN&PTNT thông tin.
Giá các loại cá tươi bán tại chợ nội địa cũng giảm khoảng 10-15% do nhiều địa phương thực hiện cách ly chống dịch.
Bộ NN&PTNT nhận định nếu tình hình dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng trên toàn cầu thì việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Điều này khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại nhà hàng ở các thị trường giảm mạnh, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản có giá cao.
Tuy nhiên, các thị trường sẽ tăng cường nhập khẩu thủy sản đông lạnh, tiện dụng, dễ chế biến tại nhà hơn so với sử dụng thủy sản tươi sống. Việc đa dạng hóa sản phẩm, thích ứng nhanh với biến động của thị trường giúp tạo động lực tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.
Bộ NN&PTNT đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành, hiệp hội ngành hàng chủ động xây dựng các phương án, kịch bản xuất khẩu nông, thủy sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi hết dịch. Đồng thời, khuyến cáo các cơ sở chế biến tập trung đẩy mạnh chế biến hải sản (đóng hộp, làm nước mắm, sản phẩm khô, chả cá...).
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản, nhất là thúc đẩy tiêu thụ nội địa tại các chuỗi siêu thị, bán lẻ, bán hàng trực tuyến.