Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, trong 24 giờ qua, giá Bitcoin tăng 6,3% từ mốc 23.000 USD, nới rộng vốn hóa thị trường lên 468 tỷ USD. Dẫu vậy, Bitcoin vẫn cần tăng thêm 180% nếu muốn phá vỡ kỷ lục lịch sử thiết lập hồi tháng 11/2021.
Trên thực tế, để xác nhận xu hướng hồi phục, Bitcoin cần xuyên thủng kháng cự 25.000 USD. Dẫu vậy, giá trị giao dịch hiện tại của Bitcoin vẫn là ngưỡng tốt nhất kể từ ngày này 2 tháng trước.
Ngoài Bitcoin, Ethereum đang là đồng tiền số có hiệu suất tăng trưởng tốt nhất trong rổ 10 mã vốn hóa lớn. Ethereum đã tăng hơn 11% trong 24 giờ qua, mở rộng phạm vi tăng 7 ngày lên 16%.
Với giá trị 1.888 USD/đồng như hiện tại, Ethereum sắp lấy lại ngưỡng giao dịch trước thời điểm lao dốc mạnh vào giữa tháng 6. Tuy nhiên, so với mốc ATH 4.878 USD/đồng, giá trị của Ethereum vẫn bốc hơi hơn 61%.
Diễn biến của đồng tiền số lớn nhất thế giới trong tuần qua. Ảnh: CoinMarketCap. |
Solana cũng là mã tiền số khác có hiệu suất tăng trong ngày trên 10%. Dẫu vậy, so với ATH, Solana đã mất tới 82,9% giá trị. Đây cũng là đồng coin top liên tục dính vào lùm xùm bị tin tặc khai thác lỗ hổng bảo mật thời gian gần đây.
Dù có hiệu suất tăng trưởng thấp hơn, Binance coin đang là mã có khả năng lấy lại ATH cao nhất khi thu hẹp thiệt hại từ đỉnh còn 51%.
Ngoài Bitcoin, Ethereum, Binance Coin và stablecoin, các coin/token khác nằm trong nhóm dẫn đầu về vốn hóa như XRP, Cardano, Solana, Polkadot đều thiệt hại trên 80% giá trị so với đỉnh.
Trên kênh tài chính truyền thống, sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ thấp hơn dự báo, thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu dậy sóng. Trong đó, 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ là Dow Jones, S&P 500, Nasdaq 100 tăng lần lượt 1,63%, 2,13%, 2,89%.
CPI thấp hơn dự báo cho thấy tín hiệu hạ nhiệt của lạm phát. Đây được xem như yếu tố thu hút dòng tiền vào các loại tài sản rủi ro như chứng khoán hay Bitcoin. Mặt khác, các loại tài sản trú ẩn như vàng quay đầu điều chỉnh.
Dẫu vậy, giới chức FED chưa cho thấy dấu hiệu nhẹ tay trong chính sách thắt chặt tiền tệ. Ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất 4 lần trong năm nay với tổng mức tăng là 2,25 điểm %. Lần gần nhất, FED quyết định nâng lãi suất 0,75 điểm % vào cuối tháng 7, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994.
“Đà phục hồi của vàng nhanh chóng mất nhiệt lượng sau những bình luận của các quan chức Mỹ. Nhiều nhà đầu tư cũng chuyển sự chú ý sang những tài sản rủi ro như chứng khoán và tiền mã hóa”, Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Mỹ - bình luận với Zing.