Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 30/4 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin lao dốc 2,15% so với 24 giờ trước đó xuống còn 38.690 USD/đồng. Như vậy, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới một lần nữa rời khỏi ngưỡng quan trọng 40.000 USD/đồng. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin thu hẹp còn hơn 735 tỷ USD.
Sắc đỏ cũng bao trùm các thị trường tiền mã hóa khác. Giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa giảm 2,5% so với một ngày trước đó xuống 1.770 tỷ USD. Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 - lao dốc 3,34% còn 2.827 USD/đồng.
Nói với Zing, chuyên gia quốc tế nhận định thị trường tiền mã hóa tiếp tục biến động cùng chiều với các cổ phiếu công nghệ. Đà bán tháo lan rộng do những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục theo đuổi kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ.
Giá Bitcoin lao dốc mạnh hôm 30/4. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới một lần nữa rời khỏi ngưỡng quan trọng 40.000 USD/đồng. Ảnh: CoinMarketCap. |
Sức ép từ lạm phát
"Giá Bitcoin lao dốc bởi giới đầu tư lo ngại rằng FED sẽ tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng OANDA (có trụ sở ở Mỹ) bình luận với Zing.
"Mối lo ngại này đã khiến các cổ phiếu công nghệ và những tài sản rủi ro khác bị bán tháo ồ ạt", ông nhận xét. "Bitcoin từng được coi là một dạng vàng kỹ thuật số, nhưng trong vòng 1-2 năm qua, đồng tiền này hoạt động giống một tài sản rủi ro hơn", vị chuyên gia nói thêm.
Ngoài ra, theo ông, những nền tảng cơ bản của Bitcoin cũng bắt đầu suy yếu khi mối quan tâm của các tổ chức và nhà đầu tư đối với tiền mã hóa giảm đi.
Mối lo ngại về lãi suất đã khiến các cổ phiếu công nghệ và những tài sản rủi ro khác bị bán tháo ồ ạt. Bitcoin từng được coi là một dạng vàng kỹ thuật số, nhưng trong vòng 1-2 năm qua, đồng tiền này hoạt động giống một tài sản rủi ro hơn
Chuyên gia tài chính Edward Moya
Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 29/4, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 6,6% trong tháng 3 so với một năm trước đó. Hồi tháng 2, tốc độ tăng là 6.3%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/1982.
PCE đo lường sự thay đổi của giá cả hàng hóa và dịch vụ trong chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình, thay vì doanh nghiệp hoặc những thành phần kinh tế khác. Đáng nói, đây là thước đo ưa thích của FED. Điều này khiến giới quan sát lo ngại rằng FED sẽ tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất.
Tại cuộc họp báo hôm 16/3, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết các quan chức ngân hàng trung ương đang theo dõi sát sao sự thay đổi của lạm phát theo từng tháng.
FED đặt mục tiêu lạm phát trung bình ở mức 2%. Cơ quan này đã bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3 nhằm hạ nhiệt nền kinh tế. FED cũng báo hiệu rằng sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất khác.
"Trong 4 quý vừa qua, lạm phát PCE cốt lõi gia tăng với tốc độ khoảng 5% mỗi quý. Vì thế, chúng tôi cho rằng thời gian tới, chính sách của FED sẽ không thay đổi", bà Veronica Clark - nhà kinh tế tại Citigroup - bình luận.
Đà bán tháo chứng khoán
Việc FED nâng lãi suất sẽ tác động mạnh tới Bitcoin và các cổ phiếu công nghệ. Cuối phiên giao dịch ngày 29/4, chỉ số NASDAQ thiên về công nghệ mất 536,89 điểm, tương đương 4,17%, còn 12,334. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm lần lượt 3,63% và 2,77%.
Giá cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Intel và Apple lao dốc lần lượt 14%, 6,9% và 3,7%.
"Thời gian qua, Bitcoin được giao dịch giống cổ phiếu công nghệ hơn là một loại tiền mã hóa. Giá của đồng tiền này có mối tương quan chặt chẽ với NASDAQ", ông Emile Phaneuf - nhà kinh tế học tại công ty nghiên cứu tiền mã hóa Brave New Coin - nhận định.
"Giá Bitcoin sẽ vẫn giằng co bởi những áp lực làm tăng, giảm khác nhau. Chẳng hạn, nhiều người nắm giữ đồng USD đang tìm kiếm loại tài sản thay thế khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, một số nhà giao dịch cũng muốn mua vào Bitcoin sau thời hạn nộp thuế vào giữa tháng 4", ông Phaneuf chia sẻ.
Giá Bitcoin liên tục trồi sụt trong vòng 7 ngày qua. Ảnh: CoinMarketCap. |
"Nhưng Bitcoin cũng bị đe dọa bởi nguy cơ Mỹ tìm cách đối phó với những tổ chức, cá nhân Nga sử dụng tiền mã hóa để lách các lệnh trừng phạt, hoặc việc liệu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ có chấp thuận ETF (quỹ hoán đổi danh mục) Bitcoin giao ngay hay không", ông nói thêm.
Theo ông Edward Moya, chỉ khi lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh, các nhà giao dịch tiền mã hóa mới có thể sẵn sàng trở lại mở rộng quy mô và thúc đẩy giá tăng cao.
Ông cho rằng Bitcoin vẫn còn một quãng đường dài để trở lại mức kỷ lục được thiết lập hồi cuối năm ngoái. Hôm 10/11/2021, giá Bitcoin cán mốc 68.789 USD/đồng sau nhiều ngày tăng phi mã.
Ở thời điểm đó, tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa vượt ngưỡng 2.900 tỷ USD. Giờ, giá Bitcoin đã sụt giảm gần 44% sau 6 tháng. Hơn 1.000 tỷ USD cũng bốc hơi khỏi thị trường tiền mã hóa.