Theo dữ liệu của Coin Desk, Bitcoin hôm 9/8 được giao dịch ở mức 43.300 USD/đồng, giảm 2,3% so với một ngày trước đó. Trong vòng 24 giờ qua, giá của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới có thời điểm rơi xuống dưới ngưỡng 43.000 USD/đồng về 42.800 USD/đồng.
Giá Bitcoin quay đầu giảm sau khi chạm mức cao nhất trong vòng gần 3 tháng qua. Cuối ngày 8/8, giá có thời điểm xuyên thủng ngưỡng 45.000 USD/đồng, đạt 45.300 USD/đồng.
Giá Bitcoin đã không thể leo lên mức 45.000 USD/đồng kể từ ngày 17/5. Trong vòng hơn 2 tháng qua, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới mắc kẹt ở vùng giá 30.000-40.000 USD/đồng.
Đợt tăng giá mới nhất đưa giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin lên 813 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến nay, giá của đồng tiền tăng gần 50%.
Giá Bitcoin có thời điểm rơi xuống dưới mốc 43.000 USD/đồng sau khi xuyên thủng ngưỡng quan trọng 45.000 USD/đồng. Ảnh: Coin Desk. |
Vượt ngưỡng quan trọng
Hôm 8/8, giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới - cũng xuyên thủng ngưỡng 3.000 USD/đồng, thiết lập mức cao trong vòng gần 3 tháng qua, rồi quay đầu giảm về 2.932 USD/đồng.
Riêng Dogecoin chứng kiến mức giảm mạnh 9,6% so với 24 giờ trước đó. Tuy nhiên, tính từ mức đầu năm, đồng tiền vẫn tăng giá hơn 5.000%.
Giới chuyên gia nhận định tiền mã hóa dường như đã trở lại sau cú rơi hồi tháng 5. "Bitcoin đang được tiếp nhiệt trở lại. Ngày càng nhiều sự chấp thuận của Phố Wall là chất xúc tác đưa giá lên 45.000 USD/đồng", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở tại Mỹ) nói với Zing.
"Bitcoin vẫn còn đối mặt với những lo ngại về quy định. Nhưng mối nguy đó đang giảm nhẹ vì quá nhiều tổ chức sẵn sàng đổ tiền vào tiền mã hóa", vị chuyên gia nói thêm.
Ông Paolo Ardoino - Giám đốc công nghệ tại Bitfinex - cũng cho rằng sự lạc quan đang trở lại thị trường tiền mã hóa. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng những hỗn loạn trên thị trường trong vài tuần qua khó có thể lắng xuống.
Giá Bitcoin lấy lại mốc 45.000 USD/đồng sau khi giảm mạnh hồi cuối tháng 5. Ảnh: Coin Desk. |
Kể từ tháng 5, giá Bitcoin trượt dốc mạnh từ mức đỉnh gần 65.000 USD/đồng (thiết lập hôm 14/4) sau hàng loạt thông tin tiêu cực. Chính quyền Trung Quốc trấn áp mạnh tay hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa tại đất nước tỷ dân. Tỷ phú Elon Musk - CEO hãng xe điện Tesla - tuyên bố ngừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin vì lo ngại về vấn đề môi trường.
Đợt tăng giá mới nhất đưa giá Bitcoin trở lại mốc 45.000 USD/đồng lần đầu tiên sau gần 3 tháng. Tại một sự kiện mới đây, Musk tiết lộ cá nhân ông vẫn nắm giữ Bitcoin, Ethereum và Dogecoin. Còn Tesla và hãng hàng không vũ trụ SpaceX đều sở hữu Bitcoin. "Tôi muốn chứng kiến Bitcoin thành công. Nếu giá lao dốc, tôi sẽ mất tiền", CEO hãng xe điện Tesla chia sẻ.
Vị CEO cho biết Tesla rất có thể sẽ tiếp tục chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin một khi việc khai thác ít gây hại đến môi trường hơn. "Có vẻ như Bitcoin đang chuyển hướng sang năng lượng tái tạo", ông nói thêm.
Bất chấp rủi ro quy định
Tình thế của tiền mã hóa một lần nữa thay đổi sau phát ngôn của Musk. "Triển vọng tăng giá dài hạn đối với Bitcoin vẫn còn rất vững chắc", chuyên gia Edward Moya khẳng định.
Ngoài ra, ông cho rằng bản nâng cấp của Ether cũng là tin tốt đối với triển vọng dài hạn của tiền mã hóa. Theo nhà sáng lập Ether Vitalik Buterin, việc nâng cấp phần mềm cho thấy mạng lưới Ether sẵn sàng thực hiện những thay đổi tiếp theo để giảm đáng kể việc tiêu tốn năng lượng.
Theo các chuyên gia của Bloomberg, ngay cả sự không chắc chắn liên quan đến các quy tắc đối với tiền mã hóa cũng không thể ngăn căn việc trở lại của Bitcoin, Ether và những loại tiền khác. Cụ thể, Quốc hội Mỹ đang cân nhắc yêu cầu các bên môi giới báo cáo giao dịch cho Sở Thuế vụ Mỹ (IRS). Điều đó có thể buộc nhà đầu tư tiền mã hóa đóng thuế.
IRS cũng đã áp dụng các biện pháp bổ sung để tăng cường giám sát những nhà giao dịch Bitcoin, Ethereum và các tài sản kỹ thuật số khác. Cơ quan này cam kết sẽ ban hành những quy định mới, làm rõ cách thức đánh thuế các loại tiền mã hóa trên.
Ngay cả sự không chắc chắn liên quan đến các quy tắc đối với tiền mã hóa cũng không thể ngăn căn sự trở lại của Bitcoin, Ether và những loại tiền khác
- Hãng tin Bloomberg
Như vậy, các nhà giao dịch tiền mã hóa sẽ phải trả thuế đối với bất cứ khoản thu nhập nào. Việc thu thuế có thể gây ảnh hưởng lớn, nhất là với những nhà giao dịch thực hiện nhiều giao dịch mỗi năm.
Theo Bloomberg, các sàn giao dịch tiền mã hóa và những bên khác đang lo ngại về việc Thượng viện Mỹ thúc đẩy các quy định mà không tư vấn trước cho họ. "Một số nhà đầu tư tiền mã hóa đã bắt đầu nghi ngại về hệ quả của việc áp thuế", ông Michael Bailey, Giám đốc nghiên cứu của FBB Capital Partners, bình luận.
Tuy nhiên, một số khác cho rằng các quy định sẽ tác động tích cực đến ngành công nghiệp và củng cố hệ thống về lâu dài. "Những quy tắc mới sẽ giúp hợp pháp hóa hệ sinh thái tiền mã hóa và thúc đẩy tăng trưởng quốc tế", Bloomberg dẫn lời Johnson, một nhà giao dịch tiền mã hóa, nhận định.