Theo dữ liệu của Coin Desk, giá Bitcoin bật tăng mạnh mẽ hôm 6/8. Giá tăng từ mức thấp trong ngày 37.300 USD/đồng lên ngưỡng cao 41.300 USD/đồng. Tính đến 17h15, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới được giao dịch với giá 40.500 USD/đồng, tăng 6% so với một ngày trước đó.
Đà tăng đưa giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin lên 760 tỷ USD. Mức tăng giá tính từ đầu năm được mở rộng ra hơn 40%.
Các đồng tiền mã hóa khác cũng đồng loạt tăng giá. Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới - tăng từ mức thấp trong ngày 2.500 USD/đồng lên 2.800 USD/đồng. Mức tăng tính từ đầu năm đạt 272%. XRP, Cardano và Stellar cũng chứng kiến giá tăng lần lượt 2,68%, 1,27% và 1,1%.
Giá Dogecoin cũng tăng hơn 2% so với một ngày trước đó. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa tăng gần 5% lên 1.660 tỷ USD.
Giá Bitcoin có thời điểm chạm ngưỡng 41.300 USD/đồng. Ảnh: Coin Desk. |
Mối đe dọa từ tiền kỹ thuật số của FED
Giải thích với Zing, ông Edward Moya - chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - cho rằng giá Bitcoin bật tăng sau khi Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Christopher Waller bày tỏ sự hoài nghi đối với đồng tiền kỹ thuật số của FED.
Ông cho rằng đồng tiền kỹ thuật số của FED có thể làm gián đoạn các ngân hàng thương mại và đe dọa sự phân công lao động trong một hệ thống tài chính đang hoạt động tốt.
Theo ông Waller, chính phủ không nên can thiệp vào nền kinh tế trừ khi có một "thất bại thị trường" cần phải giả quyết.
Theo giới chuyên gia, việc các ngân hàng trung ương phát triển đồng tiền kỹ thuật số riêng có thể ảnh hưởng đến những loại tiền mã hóa như Bitcoin. Giới đầu tư sẽ bán tháo ồ ạt nếu các chính phủ thông qua những quy tắc mới để quản lý thị trường này. Bởi khi đó, sức hút của tiền mã hóa sẽ bị triệt tiêu.
Khi các ngân hàng trung ương giới thiệu đồng tiền kỹ thuật số, những quy định quản lý mới có thể gây sức ép lớn lên các thị trường tiền mã hóa như Bitcoin. Ảnh: Reuters. |
Giá Bitcoin đã lao dốc nghiêm trọng trong năm nay sau khi các cơ quan quản lý Bắc Kinh đẩy mạnh kiểm soát đối với hoạt động khai thác và giao dịch Bitcoin. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng có khả năng là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên phát hành tiền kỹ thuật số sau nhiều năm thử nghiệm.
"Thế giới tiền mã hóa vẫn cho rằng FED sẽ tạo ra một loại tiền kỹ thuật số của riêng mình. Tuy nhiên, bất cứ sự do dự hay nghi ngại nào cũng có thể hỗ trợ cho giá Bitcoin và Ether", ông Moya nói thêm.
Rủi ro pháp lý đến nay vẫn là trở ngại lớn của Bitcoin và những loại tiền mã hóa khác. Các quan chức Mỹ đã nhiều lần đưa ra quan điểm tiêu cực về những loại tài sản này, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.
Tương lai của tiền mã hóa
Bà Yellen đặt câu hỏi về tính hợp pháp và ổn định của đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới. "Tôi e rằng nó thường được sử dụng cho các mục đích tài chính trái phép, bao gồm rửa tiền và trốn thuế", bà chỉ trích.
Quốc hội Mỹ cũng đang cân nhắc yêu cầu các bên môi giới tiền mã hóa báo cáo những giao dịch cho Sở Thuế vụ Mỹ (IRS). Điều đó có thể buộc các nhà đầu tư tiền mã hóa đóng thuế.
Những quy tắc mới cũng sẽ buộc các doanh nghiệp phải tiết lộ những giao dịch tài sản tiền mã hóa trị giá hơn 10.000 USD.
IRS còn áp dụng các biện pháp bổ sung để tăng cường giám sát những nhà giao dịch Bitcoin, Ether và các tài sản kỹ thuật số khác. Cơ quan này cam kết sẽ ban hành những quy định mới, làm rõ cách thức đánh thuế các loại tiền mã hóa này.
Thế giới tiền mã hóa vẫn cho rằng FED sẽ tạo ra một loại tiền kỹ thuật số của riêng mình. Tuy nhiên, bất cứ sự do dự hay nghi ngại nào cũng có thể hỗ trợ cho Bitcoin và Ether
- Chuyên gia tài chính Edward Moya
Như vậy, các nhà giao dịch tiền mã hóa sẽ phải trả thuế đối với bất cứ khoản thu nhập nào. Việc thu thuế có thể gây ảnh hưởng lớn, nhất là với những nhà giao dịch thực hiện nhiều giao dịch mỗi năm.
"Một số nhà đầu tư tiền mã hóa đã bắt đầu nghi ngại về hệ quả của việc áp thuế", ông Michael Bailey, Giám đốc nghiên cứu của FBB Capital Partners, bình luận.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trên thực tế, những quy định rõ ràng hơn có khả năng củng cố hệ thống về lâu dài. "Tôi cho rằng chúng sẽ có tác động tích cực đến ngành công nghiệp. Các sàn giao dịch và công ty công nghệ tài chính kinh doanh tiền mã hóa có thể phải chi thêm tiền để nâng cấp hệ thống. Nhưng điều đó giúp cải thiện dịch vụ khách hàng", ông Brett Cotler, luật sư tại Seward và Kissel LLP (có trụ sở ở New York) bình luận.
Theo Bloomberg, anh Johnson - một nhà giao dịch tiền mã hóa - cho rằng các quy tắc mới sẽ giúp hợp pháp hóa hệ sinh thái tiền mã hóa và thúc đẩy tăng trưởng quốc tế.
"Về cơ bản, tiền mã hóa là một phương tiện trao đổi không được chính phủ kiểm soát. Nhưng không gian tiền mã hóa vẫn cần quy định để chúng được áp dụng rộng rãi hơn", anh nhận định.