Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 13/1 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin đã trở lại đà tăng giá sau khi giảm mạnh hôm 10/1. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới được giao dịch quanh mức 43.700 USD/đồng, tăng 1,21% so với 24 giờ trước đó.
Trong vòng 24 giờ qua, giá có thời điểm lấy lại mốc 44.000 USD/đồng. Theo dữ liệu của CoinMarketCap đêm 10/1, giá Bitcoin đã rơi xuống dưới ngưỡng 40.000 USD/đồng còn 39.796 USD/đồng.
Vào thời điểm đó, giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 770 tỷ USD. Như vậy, so với mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập hôm 10/11, Bitcoin đã sụt giá hơn 40%.
Giá Bitcoin hôm 13/1 đã trở lại đà tăng giá sau khi giảm mạnh hôm 10/1. Ảnh: CoinMarketCap. |
Bật tăng trở lại
Trong khi đó, giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 - cũng tăng giá 3,59% so với 24 giờ trước đó lên 3.374 USD/đồng. Hôm 10/1, đồng tiền này đã mất mốc 3.000 USD/đồng.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường của tiền mã hóa tăng 3,17% lên 2.090 tỷ USD. Trong nhóm 10 đồng tiền có vốn hóa lớn nhất, Solana - đồng tiền lớn thứ 5 - chứng kiến mức tăng mạnh 7,15% sau một ngày.
"Báo cáo về mức lạm phát kỷ lục của Mỹ đã kích hoạt một đợt bán tháo đối với đồng USD. Điều này giúp Bitcoin hưởng lợi", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) giải thích với Zing.
Rủi ro đồng USD mất giá có thể giúp Bitcoin - tài sản được coi là "vàng kỹ thuật số" - trở lại đà tăng giá.
Theo ông, trước đó, đồng bạc xanh đã bước vào đà tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra tín hiệu sẽ nâng lãi suất và giảm quy mô bảng cân đối kế toán.
Báo cáo về mức lạm phát kỷ lục của Mỹ đã kích hoạt một đợt bán tháo đối với đồng USD. Điều này giúp Bitcoin hưởng lợi
Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ)
Theo dữ liệu mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 của Mỹ đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/1982.
Lạm phát tăng cao làm gia tăng chi phí hộ gia đình, ăn mòn tiền lương, gây áp lực lên Tổng thống Mỹ Joe Biden và Fed.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, thước đo lạm phát lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - cũng tăng 5,5% trong tháng 12, đánh dấu mức kỷ lục trong vòng nhiều thập kỷ.
Giá cả có thể giảm đi khi những nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng được giải quyết phần nào. Tuy nhiên, hầu hết giới quan sát cho rằng lạm phát khó có thể trở lại mức trước đại dịch.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là vòng xoáy giá cả - tiền lương. Người lao động muốn tăng lương để bù đắp chi phí tăng cao. Còn các công ty buộc phải tăng giá nhằm trả chi phí lao động cao hơn.
"Một số nhà giao dịch coi Bitcoin là hàng rào chống lại rủi ro lạm phát. Điều này có thể không đúng ở Mỹ, nhưng có khả năng xảy ra tại một số nền kinh tế mới nổi", ông Moya bình luận.
"Làn sóng quan tâm đối với tiền mã hóa đang tăng lên ở Mỹ Latinh và Thổ Nhĩ Kỳ, những nền kinh tế phải vật lộn với tình trạng lạm phát tăng cao", vị chuyên gia nói thêm.
Theo ông, các nền kinh tế nhỏ khó có thể đưa tiền mã hóa trở lại mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, họ vẫn có khả năng giúp Bitcoin quay về mốc giá quan trọng 50.000 USD/đồng.
Cơ hội mua vào giá thấp
Còn theo chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London), áp lực đối với Bitcoin đã giảm phần nào khi một số nhà đầu tư yêu thích rủi ro quay trở lại thị trường.
"Một số người hy vọng rằng tiền mã hóa đã chạm đáy và bắt đầu trở lại đà tăng giá", ông giải thích.
"Sự phục hồi của Bitcoin vẫn chưa thực sự mạnh mẽ. Tuy nhiên, thông tin mới về dữ liệu lạm phát của Mỹ có thể thúc đẩy nhiều nhà đầu tư trở lại hơn", ông Erlam nói thêm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng thị trường tiền mã hóa vẫn gặp rủi ro bởi các chính sách thắt chặt của FED. Theo biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 14-15/12/2021 của Fed, một số quan chức tin rằng đã đến lúc thu hẹp danh mục 8.800 tỷ USD, bao gồm trái phiếu và các tài sản khác.
Với nhiều nhà đầu tư, việc Bitcoin giảm giá là cơ hội mua vào giá thấp. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức này cho rằng việc thu hẹp quy mô của bảng cân đối kế toán cần được triển khai sớm sau khi Fed bắt đầu nâng lãi suất. Biên bản cuộc họp nhấn mạnh lãi suất cần "được nâng sớm hơn dự định trước đó".
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo Fed có thể nâng lãi suất 4 lần trong năm nay và bắt đầu cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán kể từ tháng 7.
"Tốc độ phục hồi nhanh của thị trường lao động Mỹ và những tín hiệu cứng rắn được đưa ra trong biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ của FED đều chỉ ra rằng các chính sách tiền tệ sẽ sớm được bình thường hóa", ông Jan Hatzius - chuyên gia tại Goldman Sachs nhận định.
"Do đó, chúng tôi đẩy nhanh dự báo về thời điểm Fed giảm quy mô bảng cân đối kế toán từ tháng 12 về tháng 7", ông giải thích.