Theo dữ liệu của CoinMarketCap, giá Bitcoin hôm 9/3 (theo giờ Việt Nam) bất ngờ xuyên thủng ngưỡng 42.000 USD/đồng, tăng 8,23% so với 24 giờ trước đó. Đà tăng đưa giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền lên áp sát ngưỡng 800 tỷ USD.
Giá Bitcoin đã lao dốc mạnh trong vòng 7 ngày qua. Hôm 8/3, giá có thời điểm rơi xuống hơn 37.000 USD/đồng.
So với một tuần trước đó, giá Bitcoin vẫn sụt giảm 4,9%. Tính từ mức đỉnh gần 69.000 USD/đồng được thiết lập hồi tháng 11 năm ngoái, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã bay hơi gần 40% giá trị.
Các loại tiền mã hóa khác cũng đồng loạt bật tăng. Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới - tăng 6,45% so với 24 giờ trước đó lên hơn 2.700 USD/đồng.
Ngày 9/3, giá Bitcoin bất ngờ bật tăng hơn 8% so với 24 giờ trước đó, kéo giá trị vốn hóa thị trường lên gần ngưỡng 800 tỷ USD. Ảnh: CoinMarketCap. |
Khẩu vị rủi ro trở lại
Trong nhóm 10 đồng tiền mã hóa có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất, Terra - đồng tiền lớn thứ 7 - chứng kiến mức tăng mạnh nhất với gần 20% trong vòng một ngày. Tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa tăng 6,23% lên 1.840 tỷ USD.
"Giá Bitcoin bật tăng trở lại bởi khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư dường như quay lại sau khi thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một đợt sụt giảm tồi tệ", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) bình luận với Zing.
"Những nguyên tắc cơ bản của Bitcoin vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, nhiều nhà giao dịch đang chuyển sự chú ý từ tiền mã hóa sang hàng hóa", vị chuyên gia nói thêm.
"Trong tuần này, Bitcoin có thể được giao dịch trong vùng giá 35.000-45.000 USD/đồng", ông dự báo.
Những nguyên tắc cơ bản của Bitcoin vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, nhiều nhà giao dịch đang chuyển sự chú ý từ tiền mã hóa sang hàng hóa. Trong tuần này, Bitcoin có thể được giao dịch trong vùng giá 35.000-45.000 USD/đồng
Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ)
Còn theo chuyên gia tài chính Jeffrey Halley (có trụ sở ở Singapore), giá Bitcoin tăng cao sau báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ.
Theo đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị ký sắc lệnh hành pháp với nội dung “hỗ trợ đổi mới có trách nhiệm” liên quan đến lĩnh vực tiền mã hóa.
Bà Yellen cho biết Bộ Tài chính Mỹ sẽ hợp tác với các cơ quan liên ngành để đưa ra báo cáo về tương lai của hệ thống thanh toán và tiền tệ, nhất là trong bối cảnh tài sản số đang nắm vai trò ngày càng quan trọng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng tiếp tục làm việc với Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính để thảo luận về stablecoin (tạm dịch: đồng tiền ổn định).
"Nhiều nhà giao dịch đã quyết định mua vào sau khi đọc báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ", chuyên gia Halley giải thích với Zing.
"Giá Bitcoin tăng cao nhờ khẩu vị rủi ro phục hồi. Cùng với đó là việc áp dụng Bitcoin trở nên rộng rãi hơn sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine và hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh tay từ phía phương Tây", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) nhận định với Zing.
Áp dụng rộng rãi
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhanh chóng cô lập Nga, khiến đồng tiền nước này sụp đổ. Những nhà băng chủ chốt của Nga bị cấm tham gia vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Các lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Biden cũng sẽ cấm người Mỹ kinh doanh với Ngân hàng Trung ương Nga và đóng băng tài sản của cơ quan này ở Mỹ.
Hàng loạt lệnh trừng phạt đặt ra câu hỏi rằng liệu xung đột Nga - Ukraine có làm thay đổi thị trường tiền mã hóa hay không. Theo công ty phân tích dữ liệu tiền mã hóa Kaiko, kể từ khi Nga phát động cuộc chiến, các giao dịch trên sàn Bitcoin tập trung bằng cả đồng RUB của Nga và đồng UAH của Ukraine đều tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng.
Theo nhà nghiên cứu Michael Rinko tại AscendEx, cuộc xung đột đã làm nổi bật tầm quan trọng của tính chất không biên giới và chống kiểm duyệt của tiền mã hóa.
Đà sụt giảm của giá Bitcoin trong vòng 7 ngày qua. Dù đã tăng trở lại, so với một tuần trước đó, giá Bitcoin vẫn sụt giảm 4,9%. Ảnh: CoinMarketCap. |
Thêm vào đó, giá Bitcoin cũng có thể hưởng lợi nhờ nguy cơ lạm phát tăng cao. Một số người ủng hộ vẫn coi Bitcoin là một dạng "vàng kỹ thuật số" và mua vào như hàng rào chống lại rủi ro lạm phát.
Xung đột Nga - Ukraine đã kéo giá của nhiều mặt hàng từ dầu khí đến ngũ cốc tăng cao lên mức kỷ lục. Tuần trước, nói với các quan chức Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho rằng xung đột Nga - Ukraine có thể đẩy lạm phát lên cao.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thay vì là "vàng kỹ thuật số", Bitcoin đã hoạt động như một tài sản rủi ro trong nhiều tháng qua. "Tôi tin rằng giá Bitcoin khó có thể phục hồi mạnh mẽ bởi những bất ổn liên quan đến cuộc giao tranh và các lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng", chuyên gia tài chính Craig Erlam nhận định.